Đảng dẫn dắt, kiến tạo cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Là hạt nhân lãnh đạo, Đảng bộ Bộ Công Thương không ngừng củng cố, kiến tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi tiêu dùng.
Hạt nhân lãnh đạo, dẫn dắt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn là nội dung xuyên suốt trong chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đây chính là lời khẳng định mạnh mẽ cho triết lý phát triển “lấy Nhân dân làm trung tâm”, khi quyền và lợi ích của người tiêu dùng được bảo vệ, cũng chính là bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công bằng và văn minh cho toàn xã hội.
Nhiều năm qua, hệ thống pháp luật và chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được bổ sung, hoàn thiện liên tục với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát từ cấp Trung ương đến địa phương, trong đó có vai trò nòng cốt của Đảng bộ Bộ Công Thương. Với sự tham mưu, chủ động và tổ chức thực hiện hiệu quả, Đảng bộ Bộ Công Thương đã khẳng định được vị trí là hạt nhân lãnh đạo, dẫn dắt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn là nội dung xuyên suốt trong chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Ảnh: Nguyễn Quân
Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư đã chỉ rõ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của Nhà nước với công tác bảo vệ người tiêu dùng, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong đó Đảng bộ Bộ Công Thương giữ vai trò nòng cốt, đã khẩn trương triển khai, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, củng cố cơ chế thực thi và giám sát chặt chẽ.
Các văn bản như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, Nghị quyết 82/NQ-CP năm 2020, hay Quyết định 1157/QĐ-TTg năm 2021… đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, kịp thời, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Song song với xây dựng chính sách, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng được triển khai đồng bộ, có chiều sâu, đến từng địa phương, từng cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đảng bộ Bộ Công Thương đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội, phát huy vai trò giám sát, phản hồi của người tiêu dùng, tạo nên mạng lưới phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp.
Đây chính là điểm tựa vững vàng giúp người tiêu dùng hiểu, thực thi và bảo vệ quyền của mình, giảm thiểu rủi ro, tăng cường kỷ luật thị trường, đồng thời nâng cao niềm tin Nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước và sự nghiệp đổi mới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng với các đội thi tham dự Chung kết Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022. Ảnh: Thy Thảo
Chủ động thích ứng, giữ gìn sự công bằng, minh bạch
Trên thực tiễn, Đảng bộ Bộ Công Thương đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy thị trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Một trong những dấu ấn nổi bật chính là kiện toàn mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh thành Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, giúp tập trung kiểm soát các thương vụ sáp nhập, mua lại trong và ngoài nước, ngăn ngừa hành vi gây méo mó thị trường, giữ gìn sự công bằng, minh bạch.
Hơn 800 hồ sơ tập trung kinh tế đã được thẩm định, kiểm soát chặt chẽ, cùng với gần 100 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh được xác minh, xử lý nghiêm minh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, Đảng bộ Bộ Công Thương đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là những quy định mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023; đồng thời tăng cường giám sát hơn 50 chương trình thu hồi sản phẩm khuyết tật, tiếp nhận và xử lý hơn 1.500 phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng, qua đó củng cố lòng tin xã hội.
Một lĩnh vực nhạy cảm khác cũng được Đảng bộ Bộ Công Thương chỉ đạo tập trung quản lý sát sao là kinh doanh theo phương thức đa cấp. Bằng sự phối hợp với lực lượng công an, cùng các ban ngành liên quan, nhiều hoạt động tuyên truyền, cảnh báo đã được thực hiện thường xuyên, đồng thời giám sát chặt hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp, ngăn chặn triệt để các mô hình đa cấp biến tướng, bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng.
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, công nghệ số phát triển mạnh, những mặt trái phát sinh ngày càng phức tạp, thì vai trò hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng bộ Bộ Công Thương càng có ý nghĩa to lớn, vừa giữ vững kỷ cương, vừa khơi dậy niềm tin của nhân dân, chuẩn bị cho các sự kiện chính trị trọng đại, đặc biệt là Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV sắp tới.
Sự kiên định, quyết liệt, hành động thực chất của Đảng bộ Bộ Công Thương chính là lời cam kết mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, vun đắp niềm tin xã hội và xây dựng một thị trường phát triển lành mạnh, công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Thời gian tới, Đảng bộ Bộ Công Thương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục dẫn dắt, kiến tạo cạnh tranh minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý vi phạm, siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp, củng cố niềm tin xã hội, phát triển bền vững.