Đưa hàng hoá Lạng Sơn vào siêu thị: Cánh cửa mở cho nông sản vùng cao
Lạng Sơn đang từng bước đưa đặc sản núi rừng của đồng bào dân tộc thiểu số vào chuỗi siêu thị trong và ngoài tỉnh, mở ra cánh cửa mới cho nông sản vươn xa.
Gỡ rào cản, mở lối cho hàng hoá vùng cao
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp đưa nông sản vào hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện các hợp tác xã, hộ sản xuất tiêu biểu, các hệ thống siêu thị lớn như WinMart, Co.opmart, BRG, Central Retail, cùng các chuyên gia thị trường. Nhiều mô hình thành công trong liên kết sản xuất tiêu thụ đã được chia sẻ, đặc biệt là kinh nghiệm của một số HTX đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Sơn, Lộc Bình, Tràng Định.
![]() |
Na Lạng Sơn là sản phẩm được người tiêu dùng rất ưa chuộng (Ảnh: Moit) |
Thông tin tại hội nghị cho thấy, tỉnh Lạng Sơn - vùng đất địa đầu Tổ quốc không chỉ nổi tiếng với đặc sản như na, hồng không hạt, mác mật, rau đặc hữu xứ Lạng… mà còn là địa bàn sinh sống của hàng chục dân tộc thiểu số có truyền thống canh tác nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, câu chuyện tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là qua hệ thống phân phối hiện đại, vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.
Theo đánh giá từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn, các sản phẩm nông sản địa phương, nhất là từ vùng đồng bào dân tộc chủ yếu tiêu thụ theo phương thức truyền thống, qua các chợ phiên hoặc thương lái trung gian, khiến giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc lớn vào mùa vụ.
![]() |
Nhiều sự kiện xúc tiến thương mại được tổ chức để quảng bá và tìm giải pháp tiêu thụ nông sản Lạng Sơn (Ảnh: Minh Hoàng) |
Song song với các hoạt động xúc tiến thương mại, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã và đang xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng hiện đại. Đơn cử, Kế hoạch 192/KH-UBND ngày 27/9/2021 đã nêu rõ mục tiêu phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, từng bước nâng cao năng lực của doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương trong việc kết nối với hệ thống phân phối chuyên nghiệp.
Đặc biệt, Kế hoạch 235/KH-UBND ngày 11/12/2021 triển khai chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 85% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Đây là cánh cửa rộng mở để các sản phẩm nông nghiệp sạch, có nguồn gốc rõ ràng từ Lạng Sơn thâm nhập thị trường bán lẻ hiện đại.
Song song với đó, chính quyền Lạng Sơn đang có những hành động cụ thể: triển khai các dự án hỗ trợ thiết bị sơ chế, đóng gói, hỗ trợ cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, tổ chức các lớp đào tạo marketing nông sản. Nhiều huyện đã chủ động xúc tiến ký kết hợp tác giữa HTX và hệ thống phân phối; xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại siêu thị địa phương như Vincom Lạng Sơn, chợ đầu mối Đông Kinh.
Nhờ các giải pháp này, nhiều sản phẩm của con đồng bào dân tộc thiểu số Lạng Sơn đã tìm được đầu ra. Đơn cử, na Chi Lăng đã có mặt tại WinMart Hà Nội; hồng không hạt Văn Lãng được bán tại chuỗi siêu thị miền Trung; rau sạch Hữu Lũng đã lên kệ tại nhiều siêu thị trong và ngoài tỉnh… Những dấu hiệu tích cực này chứng minh: hàng Lạng Sơn nếu được “định danh” bài bản thì hoàn toàn đủ sức chinh phục người tiêu dùng cả nước.
Nhiều HTX của đồng bào Dao, Tày, Nùng tại Lạng Sơn đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Sản phẩm chè Shan Tuyết, gạo nếp hương, tinh bột nghệ đỏ… không còn đóng túi nylon vô danh mà đã có logo, mã QR, chứng nhận VietGAP, thậm chí mã truy xuất blockchain. Đây là sự chuyển dịch âm thầm nhưng quyết liệt, cho thấy nông sản vùng cao hoàn toàn có thể vươn ra thị trường lớn – miễn là có chiến lược bài bản và sự hỗ trợ đồng hành.
Tháo gỡ khó khăn
Dù đã có một số thành công, song thực tế, nhiều hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc ở Lạng Sơn đang đối diện với khó khăn khi tiếp cận chuỗi siêu thị. “Sản phẩm của chúng tôi trồng ra tuy sạch nhưng không biết quy chuẩn kỹ thuật của siêu thị là gì, cũng chưa từng làm việc với các đơn vị bao tiêu”, đại diện một HTX huyện Văn Quan chia sẻ
Qua đối thoại trực tiếp, doanh nghiệp bán lẻ chỉ rõ: nông sản muốn vào siêu thị cần đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác bao bì rõ ràng, khả năng cung ứng ổn định và liên tục. Về phía nhà sản xuất, mong muốn lớn nhất là được hỗ trợ quy chuẩn hóa, chứng nhận OCOP, và được tiếp cận với thông tin thị trường cũng như tập huấn kỹ năng đàm phán, ký hợp đồng thương mại.
![]() |
Rau sạch Lạng Sơn được bày bán tại siêu thị |
Những chia sẻ này đã mở ra cuộc đối thoại thực chất giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp phân phối và HTX. Các siêu thị cũng có mặt tại hội nghị và sẵn sàng đặt hàng nếu sản phẩm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng đồng đều và giấy tờ pháp lý đầy đủ.
Một điểm sáng tích cực là nhiều HTX đã bước đầu áp dụng chuyển đổi số, kết nối sàn thương mại điện tử như nongsan.langson.gov.vn, hay các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… Song sự hiện diện trên sàn thương mại điện tử cần đi kèm câu chuyện thương hiệu, truyền thông sản phẩm và nâng cấp bao bì thì mới thu hút người tiêu dùng và đối tác bán lẻ.
Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ như BRG Retail, WinCommerce cho biết, họ đã có chuỗi siêu thị tại miền Bắc và sẵn sàng làm việc trực tiếp với các nhóm sản xuất nếu có sự đồng hành của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn.
Hướng đi rõ ràng ở đây là cần một tổ công tác chuyên trách tại cấp tỉnh, có thể đóng vai trò “nhạc trưởng” kết nối giữa các chuỗi phân phối, các sản phẩm nông nghiệp địa phương, và đặc biệt là hướng dẫn các hợp tác xã nâng chuẩn sản phẩm.
Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại địa phương, hội chợ kết nối cung cầu vùng miền, hoặc đưa hàng hóa vào Tuần lễ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị lớn cần được tổ chức thường xuyên, đi cùng với chiến dịch truyền thông bài bản.
Thực tế đang cho thấy, các sản phẩm nông sản vùng cao nếu được định vị tốt, nâng tầm chất lượng và có chiến lược tiếp thị bài bản, hoàn toàn có thể chen chân vào chuỗi siêu thị hiện đại, mở đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm.
Lạng Sơn đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 50% sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh có mặt thường xuyên tại hệ thống siêu thị trong nước. Trong đó, hàng hóa từ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ chiếm tỷ lệ quan trọng trong chiến lược phát triển vùng. |