Triển lãm hàng không vũ trụ lớn nhất Trung Đông: Các hãng vũ khí Mỹ thống trị, Nga không bán được đơn nào
Các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ đã thống trị Triển lãm hàng không Dubai vào tuần trước, trong khi Nga không có được một giao dịch bán nào.
Nga bị gạt ra khỏi khu triển lãm chính
Triển lãm Hàng không Dubai là triển lãm hàng không vũ trụ lớn nhất ở khu vực Trung Đông, được tổ chức hai năm một lần từ ngày 13 đến 17/11 vừa qua, quy tụ các nhà sản xuất máy bay dân dụng và quân sự hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp Nga tham gia triển lãm bao gồm Rostec, United Aircraft Corp và Almaz-Anty.
Theo trang Newsweek, vị thế của Nga với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí toàn cầu đã bị suy giảm kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhưng xuất khẩu vũ khí của nước này thực tế đã giảm trong vài năm từ trước cuộc xung đột.
Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy, thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga đã giảm từ 22% trong giai đoạn 2013-2017 xuống còn 16% trong giai đoạn 2018-2022.
Tờ Moscow Times đưa tin, các doanh nghiệp Nga đã mang tới Triển lãm Hàng không Dubai tổng cộng 250 mẫu vũ khí và thiết bị bay, nhưng Tập đoàn Rosoboronexport – cơ quan trung gian nhà nước duy nhất trong việc xuất nhập khẩu các sản phẩm, công nghệ và dịch vụ liên quan đến quốc phòng và lưỡng dụng của Nga - đã không đảm bảo được một hợp đồng mua bán nào tại triển lãm lần này.
Một giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp vũ khí Nga (ẩn danh) tiết lộ với Reuters, họ tin rằng các doanh nghiệp Nga đã bị gạt ra khỏi khu triển lãm chính một cách cố ý, nơi các công ty như Lockheed Martin và gã khổng lồ hàng không vũ trụ Boeing của Mỹ, cũng như đối thủ Airbus của Pháp đều có mặt.
Vị này cho biết: "Chúng tôi đã được bố trí cách xa một chút, bên ngoài khu triển lãm chính."
Theo Newsweek, Boeing đã nhận được 295 đơn đặt hàng máy bay tính đến cuối triển lãm, trong khi Airbus kết thúc với 86 đơn đặt hàng.
Alexander Mikheev - người đứng đầu Rosoboronexport - trong ngày đầu tiên của Triển lãm Hàng không Dubai đã kêu gọi những người mua tiềm năng bỏ qua các lệnh trừng phạt năm 2018 được áp dụng đối với tập đoàn nhà nước của Nga này, vốn đã gây ra các vấn đề về hậu cần và thanh toán.
Ông Mikheev nói: "Chúng tôi đã hoạt động mà không có dịch vụ giao dịch tài chính quốc tế SWIFT, không có đồng đô la và đồng euro trong một thời gian dài", đồng thời cho biết thêm rằng tập đoàn này đã phát triển các giải pháp giúp giải quyết "tất cả các vấn đề tài chính và hậu cần".
Các nước Trung Đông thường mua vũ khí Nga đầu tiên
Vladimir Artykov - Phó tổng giám đốc Tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga - nói với TASS, vũ khí của Nga "từ lâu đã được công nhận là một trong những loại tốt nhất trên thế giới".
Ông Artykov nói: "Kinh nghiệm sử dụng chúng trong các hoạt động chiến đấu thực tế đã hỗ trợ cho vị thế cao này. Quảng cáo tốt nhất cho vũ khí nội địa [Nga] và thiết bị quân sự ngày nay không phải được thực hiện nhờ sự trợ giúp của các tờ rơi quảng cáo mà là trên chiến trường."
Ông Artykov cho rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Moscow đồng nghĩa với việc một số quốc gia đã ngừng nhập khẩu vũ khí của Nga.
Ông Artykov nói: "Đồng thời, chúng tôi đang thiết lập quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với các quốc gia mới để xem vũ khí của Nga được sử dụng hiệu quả như thế nào trong điều kiện thực tế."
"Ngày nay, Nga đang tích cực hợp tác với các nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Phi, Châu Mỹ Latin và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS). Thị trường Trung Đông rất quan trọng đối với chúng tôi; một lượng lớn các dự án dân sự và quốc phòng chung đang được triển khai tại đây", ông Artykov nói thêm.
"Các quốc gia trong khu vực [Trung Đông] thường nằm trong số những quốc gia đầu tiên sở hữu vũ khí và thiết bị quân sự mới nhất của Nga", ông Artykov nói.