Vô số “ông lớn” phương Tây bị thế giới Ả Rập tẩy chay vì xung đột Gaza
Bất cứ khi nào xung đột nổ ra ở Trung Đông, các thương hiệu tiêu dùng của Mỹ thường nằm trong số những mục tiêu đầu tiên hứng sự phẫn nộ của công chúng.
Một số thương hiệu mang tính biểu tượng nhất của Mỹ bao gồm McDonald’s, Starbucks, Coca-Cola và Domino’s Pizza đã trở thành mục tiêu của các chiến dịch tẩy chay ở Trung Đông, cùng với Puma của Đức và chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp, trong bối cảnh số người thiệt mạng ở Dải Gaza tiếp tục gia tăng.
Theo truyền thông địa phương, các thương hiệu lớn của Mỹ ở các thành phố Ả Rập như Cairo (Ai Cập), Amman (Jordan), Beirut (Lebanon), Kuwait và Doha (Qatar) đã bị nhắm mục tiêu vì được cho là ủng hộ Israel trong làn sóng xung đột mới nhất với phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine.
Tình thế đảo ngược
Các cửa hàng McDonald’s trong khu vực đã bị tẩy chay sau khi chi nhánh Israel của thương hiệu bánh mì kẹp thịt nổi tiếng tặng hàng nghìn suất ăn cho các binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF – Quân đội Israel) đóng quân ở tiền tuyến gần Dải Gaza. Trong khi những mái vòm vàng đặc trưng của McDonald’s có thể được nhìn thấy trên khắp thế giới, các nhà hàng quốc tế của họ đôi khi được nhượng quyền cho các công ty địa phương.
Từ tuần trước, các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn làm dịu cơn khát của mình bằng Coca-Cola hay ăn vặt với đồ do Nestlé của Thụy Sĩ sản xuất nữa, vì các nhãn hiệu phương Tây đã bị loại bỏ khỏi các tòa nhà quốc hội của quốc gia liên lục địa Á-Âu do họ bị cáo buộc ủng hộ Israel.
Trong một tuyên bố, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Sản phẩm của các công ty hỗ trợ Israel sẽ không được bán trong các nhà hàng, quán cà phê và quán trà trong khuôn viên quốc hội”.
Tờ The National News, một tờ báo có trụ sở tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đưa tin rằng lượng tồn kho Pepsi và Coca-Cola do các nhà phân phối địa phương nắm giữ đã tăng lên trong những tuần qua do doanh số bán hàng tại nhiều cửa hàng và nhà hàng khác nhau bị chậm lại.
Các hãng tin địa phương cho biết, các nhà hàng McDonald’s, Starbucks và Domino’s Pizza gần đây trở nên im ắng và vắng khách ngay cả trong các khung thời gian vốn thường đông đúc nhất.
Sự tẩy chay các thương hiệu phương Tây đồng nghĩa với sự thịnh vượng cho một số thương hiệu địa phương. Ví dụ, nhà sản xuất soda Spiro Spathis của Ai Cập là người thắng lớn. Sự sụt giảm doanh số bán hàng của các thương hiệu phương Tây đang tạo cơ hội cho Spiro Spathis “ăn nên làm ra”.
Spiro Spathis được thành lập vào năm 1920 bởi một trong hàng nghìn người Hy Lạp đã coi Ai Cập là quê hương của mình. Hãng đồ uống này cuối cùng đã bị thua ngay trên sân nhà trước sự xâm nhập của Coca-Cola và Pepsi.
Nhưng không lâu sau khi làn sóng xung đột Israel-Hamas mới nhất bùng phát, tình thế đã đảo ngược. Nhu cầu về Spiro Spathis tăng đột biến, đến mức 300%, khiến công ty nước giải khát này phải quảng cáo tuyển thêm đến 2.000 nhân sự một lúc.
Thời điểm khó khăn
Kể từ khi xung đột bùng phát vào ngày 7/10, nhiều quốc gia Ả Rập đã cáo buộc Mỹ thiên vị Israel hơn người Palestine. Với những phương tiện hạn chế để tác động đến chính sách của Mỹ, người tiêu dùng Ả Rập thay vào đó đang “bỏ phiếu” bằng đôi chân của mình và chọn cách từ chối các thương hiệu Mỹ.
“Việc người Ả Rập tẩy chay các cửa hàng nhượng quyền thương mại của Mỹ do xung đột Palestine-Israel nêu bật những cảm xúc sâu xa và vận động chính trị quần chúng mà vấn đề này gây ra trong khu vực”, anh Ehsan Amin, một người Ả Rập Xê-út 35 tuổi, nói với Arab News – tờ báo tiếng Anh hàng đầu Trung Đông có trụ sở tại Ả Rập Xê-út.
“Mỗi người có cách thể hiện sự đoàn kết của mình. Người biểu tình trên đường phố, người khác tẩy chay. Tôi chọn cách tẩy chay. Đây là phương tiện để tôi lên tiếng chỉ ra sự thiên vị của phương Tây đối với Israel”, Amin nói.
“Các sự kiện gần đây ở Gaza dự kiến sẽ khơi dậy tình đoàn kết sâu sắc của khu vực với người dân Palestine và nâng cao sự nhạy cảm đối với thông điệp của các doanh nghiệp”, ông Amjad Ahmad, người đứng đầu empowerME Initiative tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), nói với Arab News.
Đối với các thương hiệu toàn cầu, đây là thời điểm khó khăn và họ phải hướng tới phía trước để đảm bảo không làm mất lòng những người tiêu dùng đa dạng của mình.
“Thật không may, điều này có thể là thách thức đối với các nhà nhượng quyền có nhiều chủ sở hữu địa phương khác nhau. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là họ được miễn trách nhiệm phải làm như vậy, và hầu hết các thỏa thuận nhượng quyền theo hợp đồng đều cho phép họ có một mức độ kiểm soát nhất định, đặc biệt là liên quan đến truyền thông”.
Israel đã phát động một cuộc tấn công trên không, trên biển và trên bộ vào Dải Gaza sau khi hàng loạt tay súng Hamas tràn qua biên giới nước này vào ngày 7/10, khiến 1.200 người, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng và hơn 240 người bị bắt làm con tin.
Theo Bộ Y tế Palestine, cho đến nay, sau hơn một tháng bùng nổ xung đột, các cuộc tấn công của Israel đã khiến hơn 11.000 người ở Gaza thiệt mạng.
Mỹ đã thúc đẩy các đợt tạm ngừng bắn để tạo điều kiện cho việc phân phối rộng rãi hơn hàng viện trợ thiết yếu cho những người dân thường vẫn đang mắc kẹt trong khói lửa ở Gaza, và chịu đựng các điều kiện sống ngày càng tồi tệ hơn.
Nhưng Israel chỉ đồng ý ngừng bắn theo giờ hàng ngày để dân thường có thể chạy trốn khỏi cuộc chiến trên bộ ở phía bắc Gaza và đi bộ về phía nam dải đất duyên hải dọc theo 2 tuyến đường chính.
Israel tiếp tục tấn công những mục tiêu mà nước này cho là phiến quân trên khắp miền nam Gaza, khiến nhiều phụ nữ và trẻ em thương vong.
Cuộc chiến đã khiến hơn 2/3 trong tổng dân số 2,3 triệu người của Gaza phải rời bỏ nhà cửa đi di tản loanh quanh trong dải đất hẹp bên bờ Địa Trung Hải.