Tổng thống Pháp Macron như “đang đi trên dây” dù bạo loạn đã dịu đi
Ông Macron dường như đang đi “từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác” và không ai biết kế hoạch cho nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Pháp thực sự là gì.
Các cuộc biểu tình bạo lực và tình trạng bất ổn lan rộng khắp nước Pháp sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên đã giảm đáng kể chỉ sau một đêm, các nhà chức trách cho biết hôm 3/7.
Tuy nhiên, căng thẳng vẫn ở mức cao. Bạo lực đã lan dần từ Nanterre, ngoại ô thủ đô Paris, nơi Nahel Merzouk, một thanh niên 17 tuổi gốc Bắc Phi, bị cảnh sát bắn chết trong khi kiểm tra giao thông vào sáng 27/6.
Danh tính của viên cảnh sát nổ súng vẫn không được công khai, nhưng người này đã nhanh chóng bị điều tra chính thức về tội ngộ sát và bị giam giữ.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết vào sáng 3/7 rằng gần 160 người đã bị bắt và 3 nhân viên thực thi pháp luật bị thương trong đêm bạo loạn thứ 6, ít hơn nhiều so với những ngày trước đó, khi có tới 1.300 người bị bắt giữ một lúc.
Kể từ hôm 27/6 khi bạo lực bắt đầu bùng phát, tổng cộng khoảng 3.200 người đã bị bắt giữ, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin nói với các phóng viên ở Reims hôm 3/7.
Ít sự cố hơn được báo cáo trên khắp đất nước, sau khi chính quyền triển khai 45.000 cảnh sát và hiến binh trong đêm thứ ba liên tiếp nhằm nỗ lực kiểm soát tình hình.
Các quan chức Pháp cho biết, bạo lực do thiểu số gây ra được thúc đẩy bởi một điều gì đó khác ngoài “công lý cho Nahel”.
Căng thẳng vẫn ở mức cao
Trong khi nhiều cư dân ở những vùng ngoại ô nói rằng họ hiểu sự tức giận đã gây ra tình trạng bất ổn, họ cũng lên án bạo lực - vốn đã biến từ một cơn thịnh nộ bùng phát tập trung ở vùng ngoại ô Paris thành một làn sóng bạo lực rộng lớn hơn đi kèm với cướp bóc.
“Khi một người cướp cửa hàng Foot Locker, cửa hàng Lacoste hoặc cửa hàng Sephora, không có thông điệp chính trị nào ở đây cả”, ông Olivier Veran, phát ngôn viên của chính phủ Pháp, cho biết hôm 2/7.
Bộ trưởng Tư pháp Pháp Eric Dupond-Moretti, trong khi phát biểu với đài truyền hình France Inter hôm 2/7, đã chỉ rõ rằng một số người chỉ lấy vụ việc làm “cái cớ” để thực hiện hành vi bạo lực.
Những kẻ bạo loạn đã đốt hàng nghìn ô tô, tấn công hàng trăm tòa nhà – bao gồm đồn cảnh sát, trường học, doanh nghiệp và tòa thị chính – cướp phá các siêu thị và cửa hàng, đồng thời đụng độ đêm này qua đêm khác trong gần một tuần với cảnh sát ở các thành phố trên khắp đất nước.
Ước tính đầu tiên của các công ty bảo hiểm đưa ra hôm 1/7 cho thấy mức thiệt hại hơn 100 triệu Euro (109 triệu USD), và chắc chắn con số này chưa phải là con số cuối cùng.
Như một lời nhắc nhở rằng căng thẳng vẫn ở mức cao, Hiệp hội Thị trưởng Pháp đã kêu gọi các cuộc tụ họp ôn hòa vào giữa trưa ngày 3/7 trước các tòa thị chính trên khắp đất nước để phản đối một loạt các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các quan chức dân cử.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong ngày 4/7 dự kiến sẽ gặp Thị trưởng của hơn 200 thành phố bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn.
“Những gì chúng tôi muốn hôm nay là sự thức tỉnh của công dân”, ông David Lisnard, thị trưởng Cannes và là người đứng đầu Hiệp hội Thị trưởng Pháp, cho biết hôm 3/7 trước tòa thị chính của ông, nơi hàng trăm cư dân đã tập trung để ủng hộ.
Trước đó, hôm 2/7 đã xảy ra một cuộc tấn công vào nhà riêng của ông Vincent Jeanbrun, Thị trưởng của L’Haÿ-les-Roses, một thị trấn nhỏ, yên tĩnh ở vùng ngoại ô phía Nam Paris, nơi cũng bị rung chuyển bởi tình trạng bất ổn, đã gây tiếng vang khắp cả nước.
Chính phủ Pháp và các chính trị gia từ khắp nơi đã tập hợp lại để ủng hộ ông Jeanbrun, người đã nói với kênh tin tức TF1 vào tối 2/7 rằng, “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng gia đình mình sẽ bị đe dọa tính mạng”.
Ông Jeanbrun, người lớn lên ở L’Haÿ-les-Roses và đang phục vụ nhiệm kỳ thứ hai sau khi đắc cử lần đầu tiên ở tuổi 29, nói rằng một “số ít” những kẻ bạo loạn đang làm mất uy tín của một thành phố với hơn 30.000 cư dân.
Bạo lực bùng nổ đã nhấn mạnh sự chia rẽ rõ rệt trong xã hội Pháp. Các nhà chức trách cũng đã bày tỏ sự lo lắng về độ tuổi của nhiều người đã bị bắt trong tuần qua, kêu gọi các bậc cha mẹ để mắt hơn tới con cái mình.
Tại Reims, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Darmanin cho biết rằng độ tuổi trung bình của những người bị bắt là 17, và một số chỉ mới 12-13 tuổi. Khoảng 60% trong số 3.200 người bị bắt trong tuần qua không có tiền án, ông nói thêm.
Thời hạn “hàn gắn” đất nước cận kề
Trong bối cảnh nước Pháp một lần nữa rung chuyển bởi bạo loạn, thời hạn mà Tổng thống Macron tự đưa ra để “hàn gắn” đất nước – sau hơn 2 tháng quần chúng biểu tình rầm rộ phản đối cải cách hưu trí – đang cận kề.
“Vào ngày 14/7, chúng ta sẽ cần có gì đó để xem xét”, ông Macron nói hôm 17/4, đề cập đến Ngày Quốc khánh Pháp (Bastille Day), thường là một cột mốc quan trọng trong nền chính trị của đất nước. “Chúng ta có 100 ngày để xoa dịu, đoàn kết, kỳ vọng và hành động vì nước Pháp”.
Trong nỗ lực tiếp tục thúc đẩy chương trình cải cách hưu trí đã được ban hành thành luật, ông Macron đã trình bày 3 dự án vào tháng 4, tất cả đều liên quan đến việc xoa dịu sự tức giận của người lao động và giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài trong xã hội Pháp.
Kế hoạch, sẽ được hoàn thành sau 100 ngày, là khởi động lại chính quyền của ông Macron sau khởi đầu khó khăn kể từ đầu nhiệm kỳ 2. Nhưng 6 đêm biểu tình liên tiếp kể từ cái chết của cậu thiếu niên gốc Phi, nhà lãnh đạo Pháp đang phải đối mặt với một vấn đề khác có thể làm phức tạp thêm nỗ lực hàn gắn đất nước của ông.
Khi chỉ còn hơn 3 tuần là đến thời hạn 100 ngày “hàn gắn”, tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Macron tiếp tục lao dốc, với 67% cử tri Pháp không tán thành Tổng thống tính đến ngày 22/6, theo dữ liệu từ Politico. Chỉ 30% cử tri Pháp tán thành Tổng thống.
Số cử tri Pháp không tán thành ông Macron hiện thậm chí còn cao hơn so với con số 63% được ghi nhận ở thời kỳ đỉnh điểm của các cuộc biểu tình phản đối tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.
Ông Philippe Marliere, Giáo sư về Chính trị Pháp và châu Âu tại Đại học University College London, nói với Newsweek rằng nhà lãnh đạo Pháp theo đường lối trung dung đang lâm vào một tình thế chênh vênh, khó xử, như “đang đi trên dây”.
“Ông ấy không có đa số trong Hạ viện để thông qua luật, vì vậy ông ấy phải dựa vào các biện pháp đặc biệt và đa số nhất thời, và điều đó rất khó cho ông ấy”, ông Marliere cho biết.
“Điều đó xảy ra trong bối cảnh phe cực hữu đang trỗi dậy ở Pháp, và các vị có thể tưởng tượng rằng những cuộc bạo loạn kể trên sẽ có lợi cho phe cực hữu, trong khi phe cánh tả sẽ không được lợi gì”, vị chuyên gia phân tích. “Tôi nghĩ tình hình ở Pháp rất bất ổn. Chuyện gì cũng có thể xảy ra”.
Ông Marliere cho rằng rằng Tổng thống Macron dường như đang đi “từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác” và không ai biết kế hoạch cho nhiệm kỳ thứ hai của ông ấy thực sự là gì khi tỉ lệ ủng hộ thì lao dốc và không có đa số rõ ràng.
“Đây là nhiệm kỳ cuối cùng của ông Macron và ông ấy không thể tái tranh cử lần nữa. Vì vậy, rất khó để ông ấy vượt qua cuộc khủng hoảng trước đó theo sau cải cách hưu trí - bởi vì giờ đây đã có một cuộc khủng hoảng mới”, vị Giáo sư nói.
Theo ông Marliere, chính trường Pháp hiện được chia thành 3 khối, bao gồm khối cánh tả rất yếu, khối bảo thủ trung dung của ông Macron, và khối cực hữu đang trỗi dậy, với bà Marine Le Pen là lãnh đạo.
“Thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và không thể dự đoán ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp tiếp theo vào năm 2027”, ông Marliere nói. “Nếu những cuộc khủng hoảng như những gì mà chúng ta đang thấy tiếp tục xảy ra, tôi nghĩ bà Marine Le Pen thực sự sẽ có cơ hội tốt để giành chiến thắng”.