Tin thuế quan 25/4: Mỹ - Ấn Độ chuẩn bị đàm phán thương mại, thị trường đón tín hiệu tích cực
Mỹ - Ấn Độ tăng tốc đàm phán thương mại sau khi hoãn thuế quan; ngành dược toàn cầu đón cơ hội từ chính sách thuế... là những tin nóng trong tin thuế quan 25/4.
Mỹ - Ấn Độ tăng tốc đàm phán thương mại sau khi hoãn thuế quan
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định cam kết thúc đẩy đàm phán thương mại song phương trong bối cảnh các mức thuế quan mới của Mỹ đang tạm hoãn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cuộc gặp diễn ra tại New Delhi trong khuôn khổ chuyến thăm bốn ngày của ông Vance tới Ấn Độ cùng Phu nhân và các con.
Hai nhà lãnh đạo "hoan nghênh những tiến triển đáng kể" trong tiến trình đàm phán hiệp định thương mại và nhất trí thiết lập "lộ trình cụ thể" cho các vòng thảo luận tiếp theo. Trong bài phát biểu tại Jaipur, ông Vance cho biết hai nước đã thống nhất các điều khoản tham chiếu, mở đường cho giai đoạn đàm phán mới.
![]() |
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Trung tâm Quốc tế Rajasthan ở Jaipur, Ấn Độ, vào ngày 22/4/2025. Ảnh: The New York Times |
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với kim ngạch song phương đạt 129 tỷ USD trong năm 2024, trong đó Ấn Độ xuất siêu 45,7 tỷ USD. Hai bên đang đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 500 tỷ USD vào năm 2030.
Ấn Độ đang tìm cách đẩy nhanh đàm phán để tránh ảnh hưởng từ các mức thuế "có đi có lại" do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, bao gồm mức thuế cơ bản 10% và thuế đặc biệt lên tới 27% dự kiến áp dụng sau ngày 9/7. Việc Mỹ tạm hoãn các mức thuế cao trong vòng 90 ngày được xem là “khoảng thời gian vàng” để thương lượng.
Bên cạnh hợp tác thương mại, quốc phòng tiếp tục là lĩnh vực then chốt trong quan hệ song phương. Mỹ kỳ vọng tăng cường xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự sang Ấn Độ, trong khi Ấn Độ đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội với các dòng khí tài tiên tiến từ Washington.
Ngành dược toàn cầu đón cơ hội từ chính sách thuế của Mỹ
Ngành dược phẩm toàn cầu đang theo dõi sát các động thái mới từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh khả năng áp thuế nhập khẩu đối với dược phẩm đang được cân nhắc.
Chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách khuyến khích các công ty dược phẩm chuyển hoạt động sản xuất và việc làm trở lại Mỹ. Qua đó, thúc đẩy nội lực ngành công nghiệp trong nước. Mặc dù một số sản phẩm dược đã được miễn trừ trong gói thuế công bố vào "Ngày Giải phóng", nhiều nguồn tin cho rằng các chính sách thuế với ngành này vẫn có khả năng được triển khai.
![]() |
Ngành dược phẩm toàn cầu đón đầu cơ hội từ chính sách thuế Mỹ. Ảnh: iStock |
Tại Washington và Brussels, ngành dược đang tích cực tham vấn chính phủ nhằm tìm giải pháp hợp lý cho cả hai phía. Các doanh nghiệp nhấn mạnh đến tính phức tạp và liên kết toàn cầu của chuỗi cung ứng. Đồng thời cho rằng, việc điều chỉnh chính sách thuế cần tính đến yếu tố ổn định và đầu tư dài hạn.
Tại châu Âu, các lãnh đạo ngành đã nhân dịp này thúc đẩy đối thoại với Ủy ban châu Âu (EC) nhằm đề xuất các cải cách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu. Một nhóm gồm 30 CEO của các tập đoàn lớn như Pfizer, Bayer, Novo Nordisk và Eli Lilly đã gửi thư đến Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, cho biết khoảng 100 tỷ Euro đầu tư tiềm năng có thể được chuyển hướng nếu môi trường chính sách không thuận lợi.
EC hiện đang trong quá trình rà soát và đơn giản hóa quy định, theo xu hướng “giảm rào cản” để thu hút đầu tư, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động lâu dài tại khu vực.
Dược phẩm, kim loại Ấn Độ hút vốn sau chính sách thuế mới
Ông Anshul Saigal, nhà sáng lập Saigal Capital, nhận định rằng các chính sách thuế quan mới do Mỹ triển khai có thể mang lại tác động tích cực cho Ấn Độ, mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn sau giai đoạn biến động ban đầu. Dù thị trường chứng khoán từng trải qua sự điều chỉnh, ông tin rằng đây chỉ là một “nhịp nghỉ” ngắn hạn trong xu hướng tăng trưởng dài hạn.
Theo ông, những doanh nghiệp đang hưởng lợi từ việc gia tăng cả về sản lượng lẫn giá bán, đặc biệt là trong ngành kim loại và ngành dược phẩm, sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ sản xuất hợp đồng (CDMO) trong ngành dược được đánh giá cao nhờ tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Ngành kim loại cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng chuyển dịch sản xuất và đầu tư nội khối tại Mỹ và châu Âu. Ông Saigal chỉ ra rằng, tăng ngân sách quốc phòng ở châu Âu và chính sách ưu tiên sản xuất trong nước tại Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu kim loại trong các lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng.
Mặt khác, ngành công nghệ được đánh giá kém hấp dẫn hơn trong ngắn hạn do định giá còn cao và triển vọng lợi nhuận chưa rõ ràng. Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng với lĩnh vực này cho đến khi có sự điều chỉnh hợp lý hơn.
Dù còn nhiều biến số trong môi trường kinh tế và chính sách thương mại toàn cầu, ông Saigal khẳng định rằng “chính trong giai đoạn bất ổn lại xuất hiện nhiều cơ hội”. Nếu chọn lọc đúng nhóm ngành và cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng vào mức sinh lời tốt trong 1 - 2 năm tới.