Mỹ để ngỏ khả năng đạt thỏa thuận thuế quan với Trung Quốc
Sau động thái áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc là 145%, trong đó một số mặt hàng chịu mức thuế tới 245%, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái xoa dịu sau khi cho biết mức thuế quan mà nước này áp với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc sẽ giảm đáng kể khi hai bên đạt được thỏa thuận, tuy nhiên sẽ không về mức 0.
Tuyên bố trước báo chí của Tổng thống Donald Trump hôm 22-4 tại Phòng Bầu dục cho thấy khả năng quá trình Mỹ đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc sẽ diễn ra “khá nhanh”. Đề cập đến mức thuế 145% áp với hàng hóa Trung Quốc, ông Trump nêu rõ mức thuế cuối cùng "sẽ không cao đến mức đó". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ nếu phía Bắc Kinh không nhất trí với thỏa thuận, Washington sẽ tự nêu các điều kiện của mình.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói rằng căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ không kéo dài và có thể sớm hạ nhiệt. Bộ trưởng Bessent miêu tả các mức thuế quan quy mô lớn mà hai nước áp đặt đối với hàng hóa của nhau từ đầu năm đến nay mang tính đáp trả lẫn nhau. Tuy nhiên, ông Bessent lưu ý, Mỹ và Trung Quốc chưa chính thức khởi động bất kỳ cuộc đàm phán nào về vấn đề thuế quan.
Về phần mình, Bắc Kinh cũng cho thấy ưu tiên giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ thông qua đàm phán thương mại với Washington và tham vấn bình đẳng. Theo Reuters, một ngày sau khi Tổng thống Trump báo hiệu sẽ giảm mức thuế quan nặng nề đã áp đặt với Bắc Kinh sau khi hai bên đạt được thỏa thuận, ngày 23-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn nêu rõ: “Trung Quốc đã sớm chỉ ra rằng không có người chiến thắng trong chiến tranh thuế quan và thương mại”, đồng thời cho biết “cánh cửa đối thoại đang rộng mở”.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, khi được hỏi về tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về khả năng giảm thuế với Trung Quốc, ông Quách Gia Côn yêu cầu Mỹ ngừng đe dọa và ép buộc nếu muốn đạt được thỏa thuận.
Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 21-4 tuyên bố Bắc Kinh tôn trọng tất cả các bên tìm cách giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ thông qua tham vấn bình đẳng. Trung Quốc đồng thời kêu gọi tất cả các bên duy trì các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế cũng như hệ thống thương mại đa phương. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cảnh báo Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp đối phó theo cách “kiên quyết và có đi có lại” nếu bất kỳ quốc gia nào ký thỏa thuận thương mại với Mỹ mà gây bất lợi cho Bắc Kinh.
Trung Quốc được cho là đang tìm cách tập hợp sự ủng hộ từ các đối tác thương mại để đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ, trong đó bao gồm các nước châu Âu. Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22-4 thông báo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có hai cuộc điện đàm riêng biệt với người đồng cấp Anh David Lammy và người đồng cấp Áo Beate Meinl-Reisinger nhằm kêu gọi châu Âu hợp tác đối phó với sức ép thuế quan mạnh mẽ từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Bộ trưởng Vương Nghị khẳng định Mỹ đã sử dụng thuế quan “như một vũ khí để tấn công bừa bãi vào nhiều quốc gia khác nhau”, vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), gây tổn hại đến lợi ích của các nền kinh tế.
Còn trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Áo, ông Vương Nghị cũng cảnh báo rằng mức thuế quan của Tổng thống Donald Trump làm suy yếu nghiêm trọng các quy tắc và trật tự thương mại quốc tế. Đây là hành động điển hình của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt kinh tế. Ông Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hơn nữa các cuộc trao đổi cấp cao với Liên minh châu Âu (EU).
Theo thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Meinl-Reisinger bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác song phương và đa phương với Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng Brussels sẽ tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với Bắc Kinh, cùng nhau ứng phó với các thách thức toàn cầu, đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa EU và Trung Quốc.
Những phát biểu nói trên của Bộ trưởng Vương Nghị trong các cuộc điện đàm với hai người đồng cấp châu Âu đã nhắc lại thông điệp mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra vào tuần trước, kêu gọi các nước đứng lên chống lại “thuế quan trả đũa” của Nhà Trắng.
Trong một động thái liên quan, theo Kyodo của Nhật Bản, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã gửi một bức thư cho Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru, kêu gọi có phản ứng phối hợp đối với các biện pháp thuế quan của Mỹ. Hãng thông tấn này dẫn lời nhiều quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, bức thư được gửi qua đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản, nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc “cùng nhau chống lại chủ nghĩa bảo hộ”.
XUÂN PHONG