Rủi ro gia tăng với các quốc đảo ở Thái Bình Dương
Các nhà lãnh đạo và những người ủng hộ môi trường ở khu vực Thái Bình Dương mới đây bày tỏ thất vọng trước việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đóng băng viện trợ nước ngoài.
Họ cũng cảnh báo các động thái này sẽ làm gia tăng những mối đe dọa hiện hữu mà các quốc gia này phải đối mặt ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được coi là nỗ lực chính của thế giới nhằm giải quyết các tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, tuy nhiên ông Trump gọi đây là thỏa thuận "không công bằng".
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, bà Fiame Naomi Mataʻafa, Thủ tướng Samoa, mô tả quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris của Tổng thống Trump là “rất đáng thất vọng”, đồng thời nói thêm rằng động thái này sẽ làm suy yếu hành động vì khí hậu toàn cầu và khiến sự tồn vong của các quốc đảo ở Thái Bình Dương gặp rủi ro lớn hơn.
Hình ảnh minh họa về biến đối khí hậu và thời tiết cực đoan. Nguồn: Nasa. |
Hiện nay, các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương vẫn đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng liên quan đến biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng cao, xói mòn bờ biển, mất nguồn nước ngọt và nguy cơ phải di dời. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão nhiệt đới, lũ lụt và hạn hán tiếp tục tàn phá cơ sở hạ tầng, nhà cửa và nền kinh tế trên toàn khu vực.
Cũng theo tờ The Guardian, việc Mỹ đóng băng viện trợ cho nước ngoài làm gia tăng mối lo ngại rằng khu vực Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi nguồn hỗ trợ quan trọng cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt bị cắt giảm hoặc đang bị đe dọa.
Theo Văn phòng Giải trình của Chính phủ Mỹ, từ năm tài chính 2017 đến 2023, các cơ quan của Mỹ đã cung cấp hơn 420,3 triệu USD để giải quyết các rủi ro về khí hậu tại 14 quốc đảo Thái Bình Dương và 3 vùng lãnh thổ của Mỹ ở khu vực này.
Thủ tướng Samoa còn cho rằng, các quốc gia trong khu vực sẽ “bị ảnh hưởng nghiêm trọng” bởi việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức đa phương khác. “Đây là những diễn đàn mà các nước nhỏ trông cậy vào. Các diễn đàn này rất quan trọng để tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe và các mục tiêu của chúng tôi được giải quyết”, bà Naomi Mataʻafa giải thích.
Dẫu vậy, Ban Thư ký Chương trình Môi trường khu vực Thái Bình Dương (SPREP) cho rằng, các đối tác khác, cụ thể là chính phủ các nước khác và những tổ chức đa phương có thể giúp lấp đầy khoảng trống tài trợ mà Mỹ để lại cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương.
CHÂU ANH