Mỹ áp thuế bất thường với hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc
Kể từ ngày 3-2, Mỹ chính thức áp mức thuế bất thường đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Mexico và Canada.
Nhà Trắng tuyên bố, chính sách thuế quan mới “buộc các quốc gia trên phải ngăn chặn dòng chảy fentanyl và dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ”, mặt khác, thúc đẩy sự hồi sinh của ngành sản xuất trong nước cũng như làm tăng ngân sách liên bang.
Theo sắc lệnh thuế quan mới ban hành, Mỹ áp mức thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Riêng các sản phẩm năng lượng nhập khẩu từ Canada “được” áp thuế “ưu đãi” ở mức 10%.
CNN cho hay, trong suốt thời gian dài, Mexico, Trung Quốc và Canada là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Năm 2023, Mexico vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ, với trị giá xuất khẩu 467 tỷ USD; con số này của Trung Quốc và Canada lần lượt là 401 và 377 tỷ USD.
Hàng hóa của Mexico và Canada nhập khẩu vào Mỹ hầu như được miễn thuế nhờ hiệp định ký kết giữa Mỹ-Mexico-Canada mà Tổng thống Donald Trump từng đàm phán với các quốc gia có chung biên giới với Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu với báo chí sau khi Mỹ công bố áp thuế 25% với hàng hóa Canada. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, ông Donald Trump đã đảo ngược nhiều chính sách thời tiền nhiệm.
Thuế quan là một trong số ít các chính sách được ông Donald Trump ủng hộ trong nhiều thập kỷ. Kể từ khi còn là “ông trùm bất động sản New York” cho tới lúc trong vai trò ứng cử viên tổng thống, ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố có thể sử dụng thuế quan làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Mỹ.
Quan điểm này không được các nhà kinh tế học đồng thuận, bởi theo họ, nó là nguyên nhân gây ra lạm phát, rằng “chính các nhà nhập khẩu-chứ không phải quốc gia xuất khẩu-phải trả thuế và họ chuyển gánh nặng chi phí đó lên người tiêu dùng”.
Theo các nhà phân tích, sắc lệnh thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump có khả năng thổi bùng lên một cuộc chiến thương mại mới từ đốm lửa cạnh tranh vẫn âm ỉ bấy lâu nay.
Chỉ vài giờ sau khi sắc lệnh được công bố, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố Mexico sẽ áp dụng thuế quan trả đũa tương ứng đối với hàng hóa Mỹ, trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho hay nước này sẽ áp thuế 25% đối với 155 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, áp dụng từ ngày 3-2 với 30 tỷ USD hàng hóa ban đầu và 125 tỷ USD hàng hóa sau 21 ngày, để các doanh nghiệp Canada có đủ thời gian tìm kiếm nguồn nhập khẩu thay thế.
Thủ tướng Canada cũng gửi cảnh báo tới người dân Mỹ, rằng mức thuế cao mà chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa áp đặt có thể khiến chính người Mỹ phải gánh chịu chi phí tiêu dùng cũng như chi phí nhiên liệu cao hơn; đồng thời kêu gọi công dân Canada hủy bỏ các tour du lịch tới Mỹ, tẩy chay các sản phẩm do Mỹ sản xuất.
Thủ hiến British Columbia của Canada David Eby thì bày tỏ phẫn nộ: "Mức thuế 25% của Tổng thống Donald Trump phản bội lại mối quan hệ lịch sử giữa Mỹ và Canada, là lời tuyên chiến chống lại một đồng minh thân thiết. Chúng ta phải kiên cường và đoàn kết trước cuộc tấn công chưa từng có này".
Reuters dẫn lời nhà phân tích Matteo Ceurvels cho hay, thuế quan 25% đối với Mexico “đe dọa đảo lộn 3 thập kỷ hội nhập thương mại, làm giảm tăng trưởng bán lẻ và gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp Mexico”; và rằng "đối với Tổng thống Claudia Sheinbaum, việc giải quyết rạn nứt kinh tế này sẽ là một trong những thử thách lớn nhất trong nhiệm kỳ của bà".
Phản ứng trước việc Mỹ áp thuế 10% với hàng hóa Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2-2 tuyên bố, Bắc Kinh kiên quyết lên án và phản đối động thái này, coi đây là hành động bảo hộ thương mại và “sẽ thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Global Times cho hay, việc Mỹ đơn phương tăng thuế “vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới”; rằng động thái này không giúp giải quyết các vấn đề nội bộ của Mỹ, gây bất lợi cho cả hai bên và cho thương mại toàn cầu.
“Trung Quốc có một trong những chính sách kiểm soát ma túy nghiêm ngặt và toàn diện nhất trên thế giới. Cuộc khủng hoảng fentanyl là vấn đề nội bộ của nước Mỹ. Với tinh thần nhân đạo và thiện chí, Trung Quốc đã tích cực hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ...
Mỹ nên giải quyết cuộc khủng hoảng fentanyl của mình một cách khách quan và hợp lý, thay vì sử dụng thuế quan để gây áp lực cho các quốc gia khác”, Global Times nhấn mạnh.
HÀ PHƯƠNG