Nhu cầu củi gỗ tăng cao tại Đức
Sự tàn phá của bọ cánh cứng, tác động từ môi trường cùng căng thẳng xung đột Nga-Ukraine đã khiến nguồn cung củi tại châu Âu bị gián đoạn.
Kötterl, chủ cơ sở kinh doanh củi đốt Brennholz Munchen Palette ở Munich, làm nghề 10 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy nhu cầu cao như hiện tại. Nhu cầu bắt đầu tăng trong thời kỳ đại dịch, khi mọi người phải ở nhà nhiều, song phía các nhà cung ứng như Kotterl không thể theo kịp. Sự tàn phá của bọ cánh cứng, tác động từ môi trường cùng căng thẳng xung đột Nga-Ukraine đã khiến nguồn cung củi bị gián đoạn.
Theo Gerd Muller, thành viên Hiệp hội Sản xuất và Thương mại củi Đức, giá củi đã tăng trung bình khoảng 30-40% ở hầu hết các đại lý, tương đương gần 150 USD mỗi mét khối. Cục Thống kê Liên bang Đức cho biết giá củi và viên nén gỗ trong tháng 8 đã tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Trong bối cảnh giá khí đốt, dầu mỏ và giá điện tăng, ngày càng có nhiều người sử dụng gỗ như một vật liệu thay thế để sưởi ấm. Mua củi để sử dụng cho bếp sưởi hoặc hệ thống sưởi, người tiêu dùng phải trả nhiều hơn đáng kể vào tháng 8/2022 do nhu cầu tăng cũng như giá mua và chi phí vận chuyển cao hơn", cơ quan chức năng Đức giải thích.
Do nhu cầu quá cao, ông Kötterl buộc phải ngừng nhận đơn đặt hàng năm nay từ hồi tháng 7. Một số bên vẫn cố gắng đặt hàng trả khách cho mùa đông tới, nhưng Kötterl, người phụ thuộc vào nguồn cung gỗ từ Croatia, không thể đảm bảo được điều này.
“Ai nấy đều rất hoảng loạn và sợ hãi”, Kötterl nói.
Kötterl không phải là người duy nhất phải trải qua giai đoạn khó khăn này. Hầu hết nông dân và các nhà cung cấp gỗ khác gần Munich đã tuyên bố ngừng bán hàng vì nguồn cung hạn hẹp. Simon Tristl, một nông dân trồng gỗ ở Ingelsberg, Bavaria, ngoại ô Munich, cho biết giá cho một mét khối củi đã tăng 40%. Khi được hỏi liệu có thể theo kịp nhu cầu đang tăng quá cao, anh Simon lắc đầu ngay lập tức.
Theo The Vox, gỗ chiếm 9,9% tổng năng lượng tiêu thụ trong các hộ gia đình tư nhân vào năm 2020, dựa trên dữ liệu từ Umweltbundesamt, Cơ quan Môi trường Đức. Khủng hoảng năng lượng thời gian gần đây càng khiến gỗ trở thành thứ hàng hóa thiết yếu.
“Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến sự thay đổi đáng kể này, tuy nhiên, không theo chiều hướng tốt”, Kötterl nói.
Ngày phóng viên tìm đến Kötterl, chuông điện thoại của anh đổ liên tục. Bên trong nhà kho, từng thanh củi được xếp gọn gàng và giữ ổn định bằng ván ép. Kötterl nhập củi từ một nhà cung cấp gỗ cách đó chừng 600 km ở Croatia, sau đó giao số lượng nhỏ cho những khách khu vực Munich bằng chiếc xe tải cũ kĩ.
Tâm sự với phóng viên tờ The Vox, Kötterl nói mình đang loay hoay trước những thay đổi về giá, vốn đã tăng gấp 8 lần trong năm nay. Đà tăng phi mã của giá năng lượng cũng khiến quá trình sấy gỗ và đóng gói gặp nhiều khó khăn.
“Đó là một mớ hỗn độn,” Kötterl nói.
Theo Jürgen Gaulke, thành viên của AGDW - Die Waldeigentümer, Hiệp hội Chủ rừng Đức, các chủ sở hữu tư nhân ở Đức trung bình chỉ sở hữu khoảng 2,9 ha rừng, hoạt động nhỏ và có tỷ suất lợi nhuận thấp. Họ hiện đang phải trả nhiều hơn cho các hóa đơn khí đốt và điện, máy móc quản lý trang trại cũng như quá trình cắt, đốn gỗ.
Câu chuyện của Tristl là một ví dụ điển hình. Anh nông dân này sở hữu một trang trại gỗ nhỏ rộng 12 ha, song vẫn phải thu mua thêm từ rừng của chính phủ. Chi phí tăng từ 10 đến 20% và Tristl phải tự xoay để trang trải các hóa đơn khổng lồ để mua nhiên liệu cho xe tải giao hàng.
“Và người dùng cuối cùng cũng sẽ phải gánh chịu thêm chi phí,” Kötterl nói.
Đây là thách thức trong cuộc khủng hoảng năng lượng Đức - một cuộc khủng hoảng đang xếp chồng lên nhau. Đại dịch, sau đó là căng thẳng xung đột Nga-Ukraine đã khiến bộ phận lao động và chuỗi cung ứng gián đoạn, đồng thời buộc các nhà sản xuất phải trả nhiều hơn cho các sản phẩm thay thế hoặc cắt giảm sản lượng. Việc châu Âu, đặc biệt là Đức, mất nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga cũng đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất và mua bán bị đẩy lên cao ngất.
Tại Đức, tỷ lệ lạm phát rơi vào khoảng 10%, trong đó, giá năng lượng tháng 9 tăng hơn 40% so với một năm trước đó. Trong bối cảnh từng hóa đơn năng lượng tăng thêm hàng trăm euro, nhiều hộ gia đình bị phụ thuộc vào bên cung cấp gỗ. Chính phủ, dù đã loại bỏ dần thuế khí đốt và tung ra nhiều chương trình trợ giá năng lượng, song vẫn chưa thực sự giải quyết được vấn đề.
Tuy nhiên, ngay cả khi giá năng lượng được bù đắp, mọi người vẫn sẽ tìm kiếm các sự lựa chọn thay thế, chẳng hạn như củi, viên nén gỗ, hoặc than. Theo Tristl nói, dù giá những mặt hàng này đã tăng lên, song vẫn rẻ hơn so với dầu sưởi.
"Với số củi này, giờ chúng tôi lại quay về sử dụng hệ thống sưởi cũ. Trong hoàn cảnh hiện nay thì đó cũng là biện pháp chấp nhận được", ông Heiner Von Der Osten-Sacke cho biết.
“Giống như việc quay lại ngày xưa, khi mọi người không sưởi ấm cả căn nhà”, Nic Snell - Giám đốc điều hành tại Certainly Wood - nói. “Họ sẽ ngồi quanh đống lửa và tận dụng sức nóng từ bếp, hoặc đốt lửa rồi đi ngủ. Mùa đông này sẽ có nhiều cảnh tượng như vậy hơn nữa”.
Thực tế, sử dụng củi không phải là giải pháp thực sự tiết kiệm vì hệ thống sưởi này đã cũ. Tuy nhiên, so với nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông lạnh giá, nhiều người dân vẫn hài lòng với sáng kiến này.
"Chúng tôi ủng hộ ngay lập tức. Xăng thì ngày càng đắt, vì vậy củi là giải pháp tốt hơn", ông Heiner Von Der Osten-Sacke nói.