Thụy Điển trở thành ‘Thung lũng Silicon’ của công nghệ bền vững
Các công ty “xanh” đang góp phần giúp Thụy Điển trở thành quốc gia có mạng lưới giao thông thân thiện với môi trường nhờ dòng vốn đầu tư cho công nghệ thuộc diện lớn nhất châu Âu.
Ngay dưới Vòng Bắc Cực, một trong 5 vĩ tuyến xuất hiện trên bản đồ Trái Đất, nhà máy thuộc sở hữu của Northvolt AB chuyên sản xuất pin xe điện cho các thương hiệu EV tại châu Âu. Trên bờ biển phía tây Thụy Điển, Heart Aerospace AB, 4 năm tuổi, đang nỗ lực chế tạo máy bay điện để hoàn thiện đơn đặt hàng của United Airlines và Air Canada. Trong khi đó, ở Stockholm, công ty khởi nghiệp X Shore AB thì phát triển tàu chạy pin trị giá 99.000 USD để phục vụ lĩnh vực chèo thuyền giải trí.
Đây chỉ là ba trong số rất nhiều các công ty “xanh” đang góp phần giúp Thụy Điển trở thành quốc gia có mạng lưới giao thông thân thiện với môi trường nhờ dòng vốn đầu tư cho công nghệ thuộc diện lớn nhất châu Âu. Lực lượng lao động tay nghề cao, vốn đầu tư lớn vào các dự án khí hậu cùng nguồn cung năng lượng tái tạo dồi dào đã giúp đất nước 10 triệu dân này trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ sạch.
“Vài năm trước, chỉ có những công ty kế thừa. Giờ đây, chúng tôi có cả một hệ sinh thái gồm rất nhiều các công ty khởi nghiệp thúc đẩy các công ty cũ tiến lên”, Anders Forslund, giám đốc điều hành Heart, cho biết.
Heart, công ty được tỷ phú Bill Gates hậu thuẫn, đang lên kế hoạch mở nhà máy tại một sân bay gần Gothenburg. Hiện hãng đã có hơn 230 đơn đặt hàng từ 3 hãng hàng không cho chiếc máy bay chạy pin 30 chỗ ngồi dự kiến bắt đầu giao hàng vào năm 2028.
Ngoài Heart, H2 Green Steel hồi tháng 7 đã xin được giấy phép xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ USD sử dụng điện tái tạo ở thành phố phía bắc Boden như một phần của nỗ lực khử cacbon cho ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
Trong khi đó, Einride AB phát triển xe tải điện gần Gothenburg cho nhà sản xuất sữa thuần chay Oenta Group AB. Vào tháng 6, Einride, công ty được rót vốn bởi Soros Fund Management, cũng đã được phê duyệt thử nghiệm phương tiện giao hàng không người lái trên các con đường công cộng tại Mỹ.
“Thụy Điển đang trở thành một ‘Thung lũng Silicon’ cho các giải pháp bền vững. Chúng tôi không cần phải chạy đến châu Á nữa”, Christian Levin, giám đốc điều hành hãng xe tải Scania nói.
Northvolt là cái tên điển hình, theo Bloomberg. Nó đang cho châu Âu cơ hội lớn để phá vỡ sự thống trị của các nhà cung cấp pin như CATL của Trung Quốc, Panasonic của Nhật Bản hay LG Chem của Hàn Quốc. Kể từ khi được thành lập cách đây 6 năm bởi cựu giám đốc điều hành Tesla, Northvolt đã huy động được 8 tỷ USD từ hàng chục nhà đầu tư lớn nhỏ, trong đó có Goldman Sachs và Volkswagen AG. Công ty cũng ký hợp đồng trị giá 55 tỷ USD với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới và đến tháng 5 bắt đầu triển khai các chuyến hàng thương mại từ Skelleftea. Đến năm 2026, Northvolt dự kiến sẽ có 4.000 nhân sự. Công suất nhà máy đặt mục tiêu cung cấp năng lượng cho 1 triệu ô tô, đồng thời mở thêm 2 nhà máy, một gần Gothenburg và một ở miền bắc nước Đức.
Tuy nhiên, tham vọng của Thụy Điển sẽ gặp trở ngại trong vấn đề vận chuyển năng lượng. Theo Bloomberg, phần lớn các nguồn tài nguyên thủy điện và gió tại quốc gia này nằm ở phía bắc, trong khi trung tâm dân cư lại ở phía nam. Mối lo ngại có thể trở nên trầm trọng hơn khi ngày càng nhiều nhà máy khởi nghiệp tìm kiếm nguồn điện sạch.
Được biết các công ty khởi nghiệp đang được hưởng lợi từ hệ sinh thái sôi động đặt cược vào công nghệ sạch. Nhà bán lẻ Ikea đã đầu tư vào Northvolt. Daniel Ek, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Spotify Technology SA, cũng đang hỗ trợ Northvolt, nhà sản xuất thép H2 và một số công ty khác. Gia đình tỷ phú Wallenberg, vốn có tầm ảnh hưởng lớn tại Thụy Điển trong 150 năm, cũng có cổ phần tại Einride, Heart Aerospace… thông qua các quỹ đầu tư khác nhau.
“Bạn bắt đầu bằng một khoản đầu tư. Sau đó, nó diễn ra tốt đẹp và bạn nỗ lực làm nhiều hơn, để rồi tìm ra chiến lược phù hợp”, Ted Persson, một đối tác tại EQT Ventures, công ty đầu tư mạo hiểm liên kết gia đình, cho biết. "Đây trở thành một vòng lặp tích cực".
Thành công của Thụy Điển còn giúp thúc đẩy tăng trưởng ở các nước láng giềng. Freyr Battery SA của Na Uy đang xây dựng một nhà máy sản xuất ở Mo i Rana cận Bắc Cực, đồng thời khảo sát các nhà máy ở Phần Lan và Mỹ. Tại Iceland, Carbfix bơm carbon dioxide vào sâu dưới lòng đất, trong khi Everfuel A/S của Đan Mạch thiết lập một mạng lưới các trạm nhiên liệu hydro xanh trên toàn khu vực.
Theo công ty tư vấn McKinsey & Co, các quốc gia Bắc Âu, dù chỉ đóng góp 2% tổng GDP toàn cầu, nhưng lại là “nhà” của top 100 công ty bền vững nhất hành tinh. Những doanh nghiệp này có thể tạo ra 1 triệu việc làm trong vào năm 2050.
“Khu vực Bắc Âu đã xây dựng một thương hiệu bền vững,” Tomas Nauclér, đối tác của McKinsey, cho biết. “Có nhiều nhà lãnh đạo đứng ra thúc đẩy việc mở rộng quy mô và tạo vị thế dẫn đầu”.