Vụ ly hôn nghìn tỷ của “vua cà phê”: Thủ tục đặc biệt, ít xảy ra
Từ vụ ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên, VKSND tối cao đã đề cập, xem xét đến quyền bình đẳng của nữ giới trong kinh doanh.
Thủ tục tố tụng đặc biệt trong vụ ly hôn nghìn tỷ
Vụ ly hôn của “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị VKSND Tối cao ra kháng nghị hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vì cho rằng "có nhiều sai phạm".
Theo tố tụng Việt Nam, Hội đồng Thẩm pháp TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất. Về nguyên tắc, các quyết định giải quyết vụ án dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không thể xem xét lại.
Việc VKSND tối cao kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao được xem là một thủ tục tố tụng đặc biệt, được quy định trong Bộ Luật tố tụng Dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015).
Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Đỗ Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Luật Đỗ Gia Việt (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Tại Điều 358 BLTTDS năm 2015 quy định: 1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó, nếu có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định đó.
“Như vậy, trong trường hợp xét thấy có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kiến nghị quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là có căn cứ”, Luật sư Ngọc Anh phát biểu.
Về hướng giải quyết, Giám đốc Công ty Luật Đỗ Gia Việt cho hay: Trường hợp có kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát hiện vi phạm, tình tiết mới thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị đó.
Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét kiến nghị, phải có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trường hợp nhất trí với kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối cao thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quyết định về việc mở phiên họp để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, đồng thời giao cho Chánh án TAND tối cao tổ chức nghiên cứu hồ sơ, báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét, quyết định tại phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
Trường hợp không nhất trí kiến nghị, đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cá nhân, cơ quan đã kiến nghị, đề nghị.
Về thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Luật sư Ngọc Anh cho biết, căn cứ Điều 360 BLTTDS năm 2015, thì: Khi xét thấy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định thì tùy từng trường hợp, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quyết định như sau: “… c) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp dưới giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Cùng trao đổi về việc này, Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng đây là một thủ tục tố tụng đặc biệt, những tình huống như này rất ít xảy ra.
Luật sư Vinh khẳng định VKSND Tối cao ra kiến nghị số 02/KN-VKS-HNGĐ là có căn cứ nhưng vẫn hơi “thừa”.
“VKSND tối cao ra kháng nghị căn cứ vào việc thẩm định giá tài sản chung của vợ chồng bà Thảo, ông Vũ, cụ thể là các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của các doanh nghiệp tính đến ngày xét xử sơ thẩm ngày 20/2/2019 đều hết hiệu lực. Thừa ở chỗ, về tình cảm vợ chồng là không còn, nên dù có xét xử lại thì khả năng cao giữa hai người không thể hàn gắn vì hai bên thuận tình ly hôn. Vấn đề chỉ giải quyết về phần chia tài sản”, Luật sư Vinh nói.
Bình đẳng giới trong kinh doanh
Nói về việc bình đẳng giới trong kinh doanh, Luật sư Vinh cho rằng: Bà Thảo đã nhiều năm tham gia điều hành hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên, nhất là thời gian ông Vũ không trực tiếp điều hành hoạt động của Tập đoàn. Tòa án hai cấp xem xét việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị tài sản tại ngân hàng, cổ phần, phần vốn góp trong Tập đoàn Trung Nguyên là không đảm bảo quyền lợi của bà Thảo.
“Khi chia tài sản, tòa án sẽ căn cứ vào mức đóng góp của vợ và chồng trong khối tài sản đó. Công lao động ở nhà của người vợ cũng được tính công lao động và được hưởng tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên, vẫn chờ vào phán quyết của tòa”, Luật sư Vinh nói.
Kiến nghị của VKSND Tối cao cũng đồng tình khi nhận định rằng: “Bà Thảo là người làm vợ, làm mẹ trong gia đình, nuôi dạy các con trưởng thành, duy trì, giữ gìn hạnh phúc trong gia đình trong nhiều năm. Bên cạnh đó, bà Thảo đã trực tiếp kinh doanh, góp phần tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng, góp phần vào sự ổn định và phát triển các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Trong việc mâu thuẫn dẫn đến ly hôn, tòa án các cấp chưa xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong việc thực hiện nghĩa vụ của người chồng theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Do đó, cần tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia trong khối tài sản chung nêu trên để bảo đảm công bằng quyền lợi cho bà Thảo”.
Nói thêm về mong muốn được kinh doanh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Luật sư Đặng Ngọc Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư Tp.Hồ Chí Minh) phân tích: Rõ ràng, bà Thảo là một doanh nhân, cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ giữ vai trò cổ đông sáng lập của các Công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên.
Bà Thảo trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh, điều hành, quản lý doanh nghiệp từ khi Trung Nguyên còn là một Hợp tác xã Xí nghiệp cà phê cho đến khi Trung Nguyên thành một Tập đoàn, có thể nói từ con số không trở thành số một như hiện nay và đưa thương hiệu Trung Nguyên trở nên nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước.
Tất cả các công ty yêu cầu phân chia trong vụ án này đều được hình thành và thành lập mới hoàn toàn sau khi ông Vũ và bà Thảo kết hôn nên cổ phần tại các công ty này dù đứng tên ai cũng đều là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, việc Tòa án các cấp buộc bà Thảo phải rời khỏi Trung Nguyên, buộc phải nhận tiền (giá trị) thay cho việc nhận hiện vật bằng cổ phần Công ty để “khởi nghiệp” lại là vừa không đảm bảo quyền được kinh doanh của một doanh nhân, vừa không công bằng với người phụ nữ trong quan hệ kinh doanh chung với chồng và trái với các quy định của pháp luật, gây bức xúc lớn và bất công cho người phụ nữ.
“Trong khi đó bà Thảo là một doanh nhân và cũng là người trực tiếp nuôi dưỡng 4 người con nên đáng lẽ ra Tòa án phải công tâm, đánh giá công sức và phải được đảm bảo duy trì quyền lợi cho các con và tiếp tục phát triển doanh nghiệp”, Luật sư Hưng nhận định.
Quyết định giám đốc thẩm cho rằng “Nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông cùng quản lý, điều hành các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ dẫn đến những khó khăn cho sự tồn tại, ổn định và phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên…”.
Luật sư Ngô Thạnh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng: Việc làm chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường của Thảo trong 07 công ty là không phù hợp với quy định về quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam, nữ.
Cụ thể, Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.
Và “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” – (Điều 33, Hiến pháp năm 2013).
“Điều này tiếp tục được cụ thể hóa trong nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi đưa vào kinh doanh theo quy định tại khoản 3, Điều 59, Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014”, Luật sư Thạnh nói.
Từ đó, Luật sư Ngô Thạnh cho rằng việc VKSND tối cao kiến nghị theo hướng hủy Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT ngày 11/3/2021 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cùng 2 bản án sơ và phúc thẩm về phần chia tài sản chung, giao TAND Tp.Hồ Chí Minh xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật là có căn cứ pháp luật.