Thua các nhà thầu quốc tế ngay trên “sân nhà”
Vấn đề xung đột pháp luật khi dẫn chiếu các văn bản pháp luật có liên quan có quy định khác hoặc mâu thuẫn với Luật Dầu khí trong quá trình triển khai dự án.
Liên quan đến dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Người Đưa Tin xin được giới thiệu bài viết của TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Luật này:
Trong 2 khóa tham gia Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (Khóa XII và XII), tôi khá gắn bó với Petrovietnam khi năm nào cũng có phiên làm việc của Thường trực Ủy ban với lãnh đạo Tập đoàn về kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) và tình hình thu nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động dầu khí của Tập đoàn. Hơn thế nữa, 2 khóa là ĐBQH của tỉnh Cà Mau, nơi có Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm của Petrovietnam, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau luôn nhận được những đề xuất, kiến nghị chính sách để cùng Trung ương giải quyết những khó khăn, vướng mắc cụ thể trong hoạt động của cụm công nghiệp quan trọng này.
Việc Quốc hội chuẩn bị sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí hiện hành để giải quyết nhiều vấn đề thực tế phát sinh nhưng chưa có quy định rõ ràng, phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động SXKD của Petrovietnam. Đa phần những vướng mắc này đã tích tụ nhiều năm, Petrovietnam đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết.
Khi đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban dẫn đầu cùng nhiều ĐBQH ra tận giàn khoan ngoài khơi để khảo sát tình hình hoạt động khai thác dầu khí tháng 8/2018, đoàn đã nhận được nhiều kiến nghị của Petrovietnam và đã báo cáo với các cấp thẩm quyền. Đó là những hành động thiết thực từ cơ quan lập pháp về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí hiện hành, đáp ứng tình hình, nhiệm vụ mới, sự phát triển của ngành Dầu khí và cả nền kinh tế.
Một trong những vấn đề bức xúc lâu nay là để đạt được mục tiêu tối đa tận thu tài nguyên, Luật chưa có quy định phù hợp cho hoạt động tận khai thác dầu khí sau khi nhà thầu chuyển giao tài sản và hoạt động khai thác cho Việt Nam vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí hoặc chấm dứt sớm hợp đồng vì lý do kinh tế.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy, các mỏ tận thu chủ yếu vận hành theo cơ chế thực thanh, thực chi, toàn bộ phần thu được từ hoạt động khai thác sau khi trừ đi các chi phí vận hành, quản lý sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước. Do vậy, rất cần luật hóa chính sách để Petrovietnam, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tiếp nhận các dự án tận khai thác một cách nhanh chóng, tránh tình trạng phải chờ đợi khung pháp lý sau khi tiếp nhận như vừa qua, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khai thác và tiềm ẩn hệ lụy pháp lý phức tạp phát sinh.
Việc thiếu các điều kiện, cơ chế khuyến khích đầu tư bổ sung nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR), đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ, cận biên nên lợi ích cho các nhà đầu tư, nhà thầu dầu khí chưa được đảm bảo. Các quy định về khuyến khích đầu tư đối với các dự án dầu khí đã có những điều chỉnh, bổ sung nhưng chưa thật tổng thể, toàn diện nên cần ban hành danh mục các dự án khuyến khích đầu tư điều chỉnh và danh mục dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư cùng với khung pháp lý tương ứng, để tăng sức hấp dẫn, thu hút đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là đối với các diện tích hợp đồng còn mở, có tiềm năng hạn chế hay ở vùng nước sâu xa bờ.
Việc quy định chưa rõ tình huống phát sinh khi hệ thống thiết bị của một dự án khí có thể bao gồm cả tuyến ống dẫn sản phẩm từ mỏ về bờ, nhà máy chế biến khí ở trên bờ, đường ống dẫn khí thương phẩm tới các hộ tiêu thụ nên chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn do phải tuân thủ nhiều các quy trình, quy định không phù hợp với đặc điểm hoạt động đầu tư dầu khí, cũng như chưa có quy định cho đầu tư cả chuỗi dự án từ khâu khai thác, xử lý, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, tiêu thụ để khuyến khích các nhà đầu tư cả chuỗi dự án.
Trong xu thế cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, cần xem xét rút gọn quy trình, thủ tục trình, phê duyệt các loại báo cáo: trữ lượng, kế hoạch đại cương phát triển mỏ, kế hoạch phát triển mỏ,... cho phù hợp với thực tiễn mà vẫn đảm bảo nguyên tắc quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí. Một số các quy định về chính sách thuế do áp dụng chung cho cả nền kinh tế nên nhiều sắc thuế, mức thuế chưa thật sự phù hợp với đặc thù của ngành Dầu khí, hay như vấn đề trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động thăm dò dầu khí.
Khi được chứng kiến các thành tựu, năng lực chuyên môn, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật lành nghề, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại của các công ty con 100% vốn của Petrovietnam, các ĐBQH đặc biệt chia sẻ với Petrovietnam về những quy định về đấu thầu cung cấp dịch vụ dầu khí đang cản trở các nhà thầu trong nước, mặc dù hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và giá cả cạnh tranh, nhưng lại thường thua các nhà thầu quốc tế ngay trên “sân nhà” vì thiếu các hàng rào kỹ thuật, bảo vệ hợp lý doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó là vấn đề xung đột pháp luật khi dẫn chiếu các văn bản pháp luật có liên quan có quy định khác hoặc mâu thuẫn với Luật Dầu khí trong quá trình triển khai dự án.
Từ thực tế, Petrovietnam là tập đoàn kinh tế chủ lực của Quốc gia có phạm vi, lĩnh vực hoạt động sâu rộng, cả trong và ngoài nước, từ thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dầu khí, nghiên cứu khoa học, công nghệ, môi trường, tài chính dầu khí,... nên thuộc sự điều chỉnh của rất nhiều luật, từ đầu tư, xây dựng, thuế, quản lý sử dụng vốn nhà nước, tài nguyên, môi trường,... Cho nên khi sửa Luật Dầu khí, phải đảm bảo những quy định không bị xung đột luật với các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
Nếu vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh an toàn hàng hải, bảo vệ chủ quyền quốc gia, quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế thì có thể xác định độc quyền nhà nước để giao nhiệm vụ cho Petrovietnam thực hiện. Trong lần sửa trước đây, do tính chất quan trọng của Petrovietnam đối với an ninh kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia, trong thực hiện Chiến lược biển, kinh tế biển, thậm chí đã có nhiều ĐBQH đã đặt vấn đề cần xây dựng một luật riêng dành cho Petrovietnam như Malaysia đã làm với tập đoàn dầu khí Petronas. Ở phương án thấp hơn, nếu không được luật riêng, thì sao Quốc hội lại không chủ động thiết kế một chương riêng quy định về Petrovietnam.
Sau 2 năm vất vả chống chọi với đại dịch Covid-19, ngành Dầu khí Việt Nam cùng với cả nước bước vào 2 năm phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023. Kết quả SXKD của Petrovietnam có tầm quan trọng đặc biệt trong việc hỗ trợ nguồn lực tài chính quốc gia cho phòng, chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn và sáng kiến lập pháp của Quốc hội, các ĐBQH trong việc xây dựng Luật Dầu khí mới lần này.