Điểm danh 3 cổ phiếu đặc biệt, được Warren Buffett liên tục nắm giữ suốt gần 40 năm: Những doanh nghiệp 'có giá trị vô thời hạn' và trả cổ tức 'hậu hĩnh'
Chiến lược đầu tư nổi tiếng nhất của Warren Buffett là sở hữu những cổ phiếu lớn trong dài hạn. Đây là 3 cổ phiếu mà ông nắm giữ trong thời gian rất dài, từ năm 1988, 1991 cho đến 2000.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ, Warren Buffett đã ghi nhận thành tích đầu tư xuất sắc. Tính theo tổng lợi nhuận hàng năm (bao gồm cả cổ tức) kể từ giữa những năm 1960, vị tỷ phú này sở hữu các khoản đầu tư có giá trị tăng gấp đôi so với S&P 500.
Tính trên cơ sở lợi nhuận gộp, thành tích của ông còn đáng nể hơn, khi S&P 500 tăng khoảng 36.000% thì lợi nhuận đối với cổ phiếu hạng A của Berkshire Hathaway tính đến thời điểm kết thúc ngày 26/6/2024 đạt gần 5.000.000%.
Nhìn chung, tiêu chí đầu tư cổ phiếu của Buffett bao gồm:
Các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh được xác định rõ ràng.
Tập trung vào các công ty có đội ngũ quản lý mạnh, giàu kinh nghiệm.
Danh mục của Berkshire gồm nhiều cổ phiếu được hưởng lợi từ sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Tập trung vào danh mục gồm 44 cổ phiếu trị giá 387 tỷ USD của Berkshire vào một số ý tưởng mà Buffett và các cộng sự tâm đắc nhất.
Nắm giữ rất nhiều tiền mặt để ứng phó với những đợt sụp đổ không thể tránh khỏi của thị trường.
Tuy nhiên, có lẽ đặc điểm rõ ràng nhất trong triết lý đầu tư của Warren Buffett là mong muốn sở hữu những doanh nghiệp lớn trong dài hạn. Thời gian nắm giữ trung bình đối với các cổ phiếu là dưới 1 năm. Tuy nhiên, vị tỷ phú và các cộng sự của ông là Ted Weschler và Todd Combs đang tìm cách sở hữu những doanh nghiệp mà họ cho là có giá trị “vô thời hạn”.
Dù danh mục bao gồm tới 44 cổ phiếu, song đây là những cổ phiếu mà Berkshire nắm giữ liên tục kể từ năm 2000:
Coca-Cola: Nắm giữ từ năm 1988
Điều đặc biệt đối với cổ phiếu nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như Coca-Cola là công ty cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ cần thiết cho người tiêu dùng. Dù nền kinh tế hay TTCK Mỹ có hiệu suất kém đến đâu, người tiêu dùng vẫn cần đồ giải khát. Nhờ đó, dòng tiền hoạt động của công ty ổn định và nằm trong mức dự đoán trong nhiều năm.
Cụ thể, Coca-Cola hoạt động ở mọi quốc gia, ngoại trừ Triều Tiên, Cuba và Nga. Sự đa dạng về phạm vi hoạt động giúp công ty có lợi thế từ dòng tiền hoạt động ổn định ở các nước phát triển, đồng thời tận hưởng đà tăng trưởng liên tục ở các thị trường mới nổi. Nhìn chung, Coca-Cola sở hữu hơn 20 thương hiệu trên toàn cầu với doanh thu hàng năm vượt 1 tỷ USD.
Hoạt động marketing và xây dựng thương hiệu cũng là yếu tố giúp Coca-Cola là một khoản đầu tư dài hạn có hiệu quả vượt trội. Báo cao thường niên “Brand Footprint” của Kantar chỉ ra rằng Coca-Cola là thương hiệu được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhất trên thế giới tại các nhà bán lẻ trong 12 năm liên tiếp.
Berkshire nhận 776 triệu USD cổ tức hàng năm từ cổ phần trong Coca-Cola. Do đó, không có lý do nào để tập đoàn này bán cổ phiếu Coca-Cola.
American Express: Nắm giữ từ năm 1991
Dù Buffett và những “bộ óc” tài ba nhất của Berkshire đều biết rõ suy thoái kinh tế là điều bình thường và không thể tránh khỏi, nhưng họ nhận ra đó chỉ là một giai đoạn ngắn. 9 trong số 12 cuộc suy thoái của Mỹ kể từ khi Thế chiến II kết thúc đều được giải quyết trong chưa đầy 12 tháng. Buffett ưa thích các doanh nghiệp có thương hiệu như AmEx và chứng kiến đà phát triển mạnh của họ trong thời gian kinh tế tăng trưởng kéo dài.
AmEx thành công nhờ hưởng lợi từ 2 phía của mỗi giao dịch. Họ tạo ra doanh thu từ phí giao dịch và thu nhập lãi ròng khi là công ty dịch vụ tín dụng có khối lượng giao dịch lớn thứ 3 nước Mỹ. Hơn nữa, AmEx đã thu hút được cả những người có thu nhập cao làm chủ thẻ, đây là nhóm ít thay đổi thói quen chi tiêu bất chấp những đợt gián đoạn kinh tế nhỏ.
Điều quan trọng nhất là tỷ suất lợi tức của Berkshire nhận được tại AmEx là 33% (với giá 8,49 USD/cổ phiếu). Nói một cách khác, khoản đầu tư ban đầu của Berkshire ghi nhận lợi nhuận tăng gấp đôi sau mỗi 3 năm chỉ nhờ vào cổ tức.
Moody's: Nắm giữ từ khi IPO vào ngày 30/9/2000
Moody’s nổi tiếng với mảng Dịch vụ Nhà đầu tư, chuyên cung cấp dịch vụ xếp hạng tín dụng đối với trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ. Hơn 1 thập kỷ lãi suất cho vay thấp ở mức lịch sử đã thúc đẩy các doanh nghiệp và chính phủ phát hành trái phiếu. Nhờ đó, mảng kinh doanh cốt lõi của Moody’s vẫn “ăn nên làm ra”.
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 3/2022, Fed đã thực hiện lộ trình tăng lãi suất mạnh nhất trong 4 thập kỷ. Khi lãi suất leo thang, nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu cũng thấp hơn. Trong bối cảnh đó, tiềm năng tăng trưởng của công ty chuyển sang bộ phận Moody’s Analytics.
Bộ phận phân tích của Moody’s cung cấp nhiều giải pháp quản lý rủi ro, đánh giá diễn biến nền kinh tế và quản trị tuân thủ khác nhau cho khách hàng. Trong môi trường mà một số công cụ dự đoán cho thấy Mỹ sắp rơi vào suy thoái, thì các công cụ quản lý rủi ro là dịch vụ nhận được nhiều sự quan tâm.
Dù không phải là cái tên quá nổi trội, song Moody’s vẫn trả cổ tức ở mức hấp dẫn cho Berkshire. Tập đoàn này ghi nhận mức lợi suất cổ tức khoảng 34%, với khoảng 10,05 USD/cổ phiếu.
Tham khảo The Motley Fool