Thành phố Huế: Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng năng lượng tái tạo đạt từ 20% tổng năng lượng sơ cấp
Thành phố Huế đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp đạt từ 20%.
UBND thành phố Huế mới đây đã ban hành Kế hoạch số 284/KH-UBND ngày 4/7/2025 về triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 trên địa bàn thành phố Huế.
Mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2030, phấn đấu giảm khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; tiết kiệm năng lượng: phấn đấu công suất các nhà máy điện từ nguồn sinh khối, chất thải rắn đến năm 2030 đạt 20 MW, tương ứng 3,5% tổng công suất các nhà máy điện. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp phấn đấu đạt từ 20%. Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng thương mại (so với kịch bản phát triển thông thường) đạt khoảng 6 - 7%.
Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường: phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom, xử lý đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý đạt 100%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt gần 100%. Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải đạt trên 60% tại các khu đô thị tập trung…
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, chú trọng, nâng cao khía cạnh kinh tế, gia tăng lợi ích, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và huy động nguồn lực trong thực hiện kinh tế tuần hoàn: các mô hình sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tái sử dụng, tái chế chất thải, mô hình sản xuất kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn được xây dựng, nhân rộng, phát triển phù hợp từng ngành, lĩnh vực. Hình thành, phát triển chuỗi giá trị mới, bền vững gắn với giá trị gia tăng cao, tạo ra nhiều việc làm mới thông qua áp dụng kinh tế tuần hoàn. Tăng dần áp dụng số lượng các công nghệ, thiết bị, sản phẩm được chuyển giao ứng dụng, cấp bằng sáng chế về tái chế, tái sử dụng. Thu hút mạnh mẽ nguồn lực từ các dự án đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn.
Mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2035, phấn đấu góp phần thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đến năm 2035 và các giai đoạn tiếp theo trong các Văn kiện của Đảng, chiến lược, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Để đạt được những mục tiêu trên, kế hoạch nêu các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với những nội dung sau: nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn. Triển khai các chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Tăng cường quản lý chất thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 bao gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; năng lượng; khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; hóa chất, xây dựng; giao thông vận tải; dịch vụ và du lịch; quản lý chất thải; phát triển khu đô thị, khu dân cư tập trung; khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.
Nhã Quyên