SPE Vietnam tổ chức thành công Hội thảo kỹ thuật về “Khai thác tối đa tiềm năng mỏ”
Vừa qua, tại TP Vũng Tàu, Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí Việt Nam (SPE Vietnam) đã tổ chức thành công Hội thảo kỹ thuật về “Khai thác tiềm năng mỏ” nhằm mục tiêu chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm mới nhất về các công nghệ tiên tiến, giúp ngành Dầu khí Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng của các mỏ, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Công ty Dầu khí Harbour Energy là đơn vị tài trợ chính của Hội thảo.
Hội thảo kỹ thuật về “Khai thác tối đa tiềm năng mỏ” đã diễn ra thành công tốt đẹp, đáp ứng mục tiêu kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu, các công ty dầu khí và các đơn vị tư vấn/dịch vụ trong ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam và thế giới cùng với sự tham dự của các đơn vị thuyết trình Expro, Harbour Energy, Gate Energy, PVD Baker Hughes và SLB và đông đảo các chuyên gia đến từ các công ty dầu khí hàng đầu trong và ngoài nước. Hội thảo đã tập trung vào 5 chủ đề chính, bao gồm: Số hóa trong hoạt động vận hành; Giải pháp ESP cho giếng có thành phần khí cao; Ứng dụng công nghệ toàn diện để tối ưu hóa giá trị tài sản cho mỏ; Nâng cao hệ số thu hồi thông qua can thiệp giếng; Hoạt động khoan tự động được điều khiển bởi AI.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Tại Hội thảo, đại diện Gate Energy đã trình bày tham luận “Số hóa trong hoạt động vận hành”, trong đó tập trung thảo luận về các công cụ và chiến lược kỹ thuật số khác nhau, phương thức ứng dụng vào quá trình khởi động với mục tiêu không chỉ loại bỏ giấy tờ để tối ưu hóa quy trình mà còn cải thiện hiệu quả, giảm giờ công, thu hút nhân viên, đảm bảo an toàn tại nơi làm việc và nâng cao chất lượng ra quyết định.
Trong khi đó, PVD và Baker Hughes đã trình bày tham luận về “Giải pháp bơm điện chìm (ESP) cho điều kiện giếng có thành phần khí cao”. Bài trình bày tập trung vào việc sử dụng bơm chìm điện (ESP) trong các điều kiện giếng dầu có khí cao và xác định các thách thức cũng như đề xuất các chiến lược sáng tạo để giải quyết các thách thức để khai thác tiềm năng của mỏ với công nghệ ESP.
Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo. |
Trong bài tham luận “Nâng cao hệ số thu hồi thông qua can thiệp giếng - Câu chuyện thành công tại Lô 12W”, Harbour Energy đã chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai các chiến dịch can thiệp giếng để tăng cường sản xuất và nâng cao đáng kể hệ số thu hồi của mỏ. Harbour Energy đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn, làm việc nhóm, thu thập dữ liệu và phương pháp tiếp cận hệ thống để lựa chọn và tối ưu hóa gia tăng sản lượng dầu cho mỗi chiến dịch can thiệp giếng, từ đó góp phần đóng góp gia tăng hệ số thu hồi dầu của mỏ.
Thông qua bài trình bày “Ứng dụng công nghệ toàn diện để tối ưu hóa giá trị tài sản cho mỏ trưởng thành”, Expro đã giới thiệu các công nghệ có thể giúp giải quyết các thách thức khi mỏ giảm sản lượng, cải thiện việc thu hồi dầu, kéo dài tuổi thọ kinh tế của các mỏ và tối đa hóa giá trị tài sản. Các công nghệ này được tích hợp với các công cụ giám sát kỹ thuật số, cung cấp dữ liệu thời gian thực giúp tối ưu hóa hiệu suất và nhanh chóng đưa ra quyết định.
Tham luận cuối cùng của SLB về “Hoạt động khoan tự động được điều khiển bởi AI” đã thể hiện tầm nhìn về hoạt động khoan dầu khí tự động được hỗ trợ bởi AI trong tương lai. SLB đã tập trung giới thiệu chiến lược khoan hứa hẹn sẽ cải thiện hiệu quả khoan và vượt qua những hạn chế trong việc nhắm mục tiêu các mỏ khó khăn hơn.
Trao tặng kỷ niệm chương cho các diễn giả tại Hội thảo. |
Kết thúc Hội thảo, ông Phạm Văn Hoanh, đại diện Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí Việt Nam chân thành cảm ơn các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ và tham gia thảo luận về các công nghệ mới nhất có thể áp dụng để tối đa hóa giá trị tài sản, tăng hệ số thu hồi mỏ và nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác dầu khí. Ông Hoanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu mới nhất, các cải tiến công nghệ hiện đại, các giải pháp và vấn đề liên quan đến công nghệ nhằm cải thiện và gia tăng hệ số thu hồi dầu, khí. Đồng thời bày tỏ hy vọng các chuyên gia, đơn vị sẽ tiếp tục chia sẻ kiến thức và hợp tác để cùng nhau nắm bắt được các công nghệ khai thác dầu khí tiên tiến trên thế giới, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ngành Dầu khí tại Việt Nam.
SPE (The Society of Petroleum Engineers) là Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí Quốc tế có trụ sở chính tại Mỹ với hơn 172.000 thành viên từ 148 quốc gia trên toàn thế giới và được đánh giá cao về các hoạt động khoa học chuyên môn. SPE Vietnam là thành viên của SPE (Vietnam Section), được thành lập cách đây 30 năm, vào tháng 6 năm 1994. Đến nay, Hiệp hội đã tổ chức hơn 260 buổi hội thảo kỹ thuật với hơn 13.900 lượt đăng ký tham dự. Năm 2015 và 2016, SPE Vietnam đã giành được Giải thưởng Tiêu chuẩn Vàng (Gold Standard Award) do Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí Quốc tế trao tặng vì những hoạt động xuất sắc cho ngành và cộng đồng; 3 năm liên tiếp từ 2017-2019 đạt Giải thưởng President’s Award cho Section xuất sắc.
Bà Jenny Lê Quế Phương, đại diện SPE Vietnam cho biết: “Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, SPE Vietnam còn đặc biệt tích cực trong các hoạt động xã hội. Kể từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội đã trao học bổng cho hơn 520 sinh viên với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng; quyên góp được khoảng 17,5 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện khác. Hiện SPE Vietnam đang hỗ trợ cho sinh viên các chi hội (SPE chapters) thuộc các trường Đại học Bách Khoa TP HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Dầu khí Việt Nam, Đại học Đà Nẵng”.
Đồng thời, Hội thảo cũng được kết hợp với sự kiện Golf và Tennis của SPE. Năm 2024 đánh dấu năm thứ 21 Giải Golf & Quần vợt SPE được tổ chức tại Việt Nam. Với trung bình 400-500 vận động viên tham dự mỗi năm, giải đấu đã trở thành một trong những sự kiện lớn và mang tính biểu tượng của ngành Dầu khí không chỉ tại Việt Nam mà còn cả khu vực Đông Nam Á. Toàn bộ số tiền thu được từ các giải đấu được sử dụng để hỗ trợ các chương trình giáo dục, các hoạt động hướng tới cộng đồng và các dự án từ thiện tại Việt Nam.
P.V