Nghiên cứu cơ chế giá điện khuyến khích khách hàng điều chỉnh phụ tải điện
Nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng cơ chế giá điện khuyến khích cho khách hàng sử dụng điện tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện của Việt Nam".
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ do Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương thực hiện.
Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện
Là người thực hiện chính nhiệm vụ, kỹ sư Hồ Ngọc Hương - Chuyên viên quản lý năng lượng - Phòng Giá điện và Phí - Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương cho biết, Điều 25 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi bổ sung của một số điều của Luật điện lực và điểm b khoản 1 Điều 5 Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện quy định: “Bộ Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng cơ chế giá điện khuyến khích để áp dụng thí điểm cho khách hàng tham gia vào chương trình quản lý nhu cầu điện”.
Cần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện - Ảnh: EVN |
Như vậy, về mặt pháp lý, Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) theo cơ chế giá điện (được áp dụng biểu giá điện hai thành phần; biểu giá điện cực đại thời gian thực) là hoàn toàn khả thi và là phương pháp thay thế hoàn hảo cho Chương trình DR thông qua cơ chế khuyến khích tài chính trực tiếp hiện đang có nhiều vướng mắc trong việc triển khai.
Chương trình DR là một trong những nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện, góp phần bảo đảm cân bằng cung cầu điện, tối ưu hóa hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, giá trị dịch vụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; góp phần giảm tác hại môi trường; bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển bền vững.
Chương trình DR sẽ góp phần giảm hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện vùng/miền hoặc tại các khu vực lưới điện bị quá tải/nghẽn mạch cục bộ.
Tại Việt Nam, chương trình DR được bắt đầu triển khai từ năm 2007, tuy nhiên trước đây, do cơ chế, chính sách chưa đầy đủ và cụ thể, nên kết quả chưa đạt mục tiêu đề ra. Nhằm đẩy mạnh chương trình này, ngày 8/3/2018, tại Quyết định số 279/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 175/QĐ-BCT ngày 28/1/2019, Bộ Công Thương đã phê duyệt lộ trình và kế hoạch thực hiện Chương trình DR, theo đó cần xây dựng và hoàn thiện các loại hình gồm: DR phi thương mại, tự nguyện; DR theo cơ chế khuyến khích tài chính trực tiếp (nhận tiền khuyến khích dựa trên sản lượng/công suất tiết kiệm được) và DR theo cơ chế giá điện (được áp dụng biểu giá điện hai thành phần; biểu giá điện cực đại thời gian thực).
Hiện nay, các Tổng công ty Điện lực đang triển khai Chương trình DR phi thương mại, tự nguyện trên cơ sở lựa chọn những doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ điện từ một triệu kW giờ/năm trở lên, đã được trang bị công-tơ điện tử đo xa và lưu trữ số liệu theo chu kỳ 30 phút/lần.
Doanh nghiệp có khả năng tiết giảm tiêu thụ điện trong vòng 30 phút kể từ khi nhận được thông báo của ngành điện và có khả năng giảm từ 10 đến 20% tiêu thụ so với phụ tải thực tế trong chế độ vận hành bình thường; thời gian nhiều nhất cho mỗi lần điều chỉnh phụ tải không quá ba giờ.
Các doanh nghiệp tự nguyện tham gia, chủ động quyết định quy mô, loại phụ tải để ngừng hoặc tiết giảm trên cơ sở lựa chọn dây chuyền sản xuất hoặc những phụ tải phù hợp. Tuy nhiên, hiệu quả của Chương trình không cao do được thực hiện trên cơ sở tự nguyện từ phía khách hàng, không có cơ chế khuyến khích, thưởng phạt cụ thể.
Đối với Chương trình DR thông qua cơ chế khuyến khích tài chính trực tiếp chỉ được thực hiện với quy mô nhỏ, thí điểm với số lượng khách hàng tham gia hạn chế ở quy mô nhỏ tại TCTĐL thành phố Hồ Chí Minh với nguồn tài chính được rất nhỏ được trích từ quỹ phát triển khoa học công nghệ của đơn vị (chương trình thí điểm đã kết thúc). Việc mở rộng Chương trình hiện nay không thực hiện được do những vướng mắc, rào cản trong quy định về thuế, phí và cơ chế hạch toán chi phí giá thành.
Khi nhu cầu công suất đỉnh của hệ thống điện tăng hàng năm, đòi hỏi ngành điện cần đầu tư các nhà máy điện chạy đỉnh và hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối để đáp ứng nhu cầu công suất đỉnh đáp ứng nhu cầu trong ngày với khoảng thời gian ngắn từ 4-5 giờ so với 24 giờ trong ngày và khi công suất hệ thống đạt công suất cực đại tới hạn xảy ra khoảng từ 10-20 ngày trong năm khi hệ thống không thể đảm bảo vận hành an toàn được nữa.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước phát triển cũng như trong khu vực đều thực hiện nhiều chương trình điều chỉnh phụ tải điện thông qua nhiều cơ chế trong đó có cơ chế giá điện nhằm cắt giảm công suất cực đại đó để giảm chi phí đầu tư (chi phí tránh được) hoặc giảm huy động các nhà máy giá thành cao (nhiệt điện dầu).
Vì vậy, việc nghiên cứu, áp dụng cơ chế giá điện khuyến khích để áp dụng thí điểm cho khách hàng tham gia vào chương trình quản lý nhu cầu điện sẽ đưa ra tín hiệu đúng đắn và đủ mạnh cho cả nhà sản xuất và khách hàng sử dụng điện trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, theo đó, khuyến khích khách hàng chủ động thay đổi nhu cầu sử dụng điện hoặc tiết giảm nhu cầu sử dụng điện trong các giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng ngành điện phải đầu tư nguồn và lưới điện để cung cấp điện cho khách hàng vào những giờ cao điểm của hệ thống điện.
Đề xuất xây dựng cơ chế biểu giá bán điện linh hoạt
Mục tiêu tổng quát của đề tài nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận đề xuất xây dựng cơ chế biểu giá bán điện linh hoạt phản ánh đúng và đủ chi phí sản xuất kinh doanh điện tới các nhóm khách hàng theo các cấp điện áp thông qua việc áp dụng cơ chế giá điện khuyến khích công suất cực đại thời gian thực (Critical Peak Pricing - CPP) kết hợp với việc mở rộng cơ chế giá điện năng giờ cao điểm hiện hành nhằm cắt giảm công suất đỉnh của Hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cân bằng cung cầu trong trường hợp hệ thống điện thiếu nguồn điện, giảm tình trạng quá tải hoặc vượt giới hạn truyền tải, nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện cho cả ngành điện và mang lại lợi ích cho khách hàng thông qua việc chia sẻ cắt giảm chi phí tránh được (chi phí phát điện, chi phí truyền tải và phân phối tránh được), khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm điện.
Đồng thời, có cơ chế khuyến khích về giá để thu hút khách hàng tham gia vào chương trình quản lý nhu cầu điện, thay đổi hành vi sử dụng điện nâng cao hệ số phụ tải bằng việc chuyển sang sử dụng điện trong giờ thấp điểm và giờ bình thường.
Kỹ sư Hồ Ngọc Hương cho hay, trên cơ sở đánh giá hiện trạng vận hành hệ thống điện Đề tài đã đề xuất sự cần thiết điều chỉnh khung giờ cao thấp điểm hiện hành cho phù hợp với sự xuất hiện công suất đỉnh thực tế.
Đồng thời, đề xuất nhóm khách hàng áp dụng điều chỉnh phụ tải điện trên cơ sơ đánh giá mức độ phản ứng thay đổi nhu cầu theo chênh lệnh giá giờ cao điểm/thấp điểm (tính toán hệ số đàn hồi giá và điện tiêu thụ).
Bên cạnh đó, xây dựng phương pháp luận, mô hình phân bổ theo chi phí biên dài hạn trên cơ sở đó xây dựng cơ cấu biểu giá bán điện hoàn toàn phản ánh chi phí bao gồm giá điện hai thành phần (thành phần giá công suất và thành phần điện năng). Theo đó đề xuất cơ cấu biểu giá điện khuyến khích công suất cực đại thời gian thực CPP với thành phần điện năng có cơ cấu giá điện rất cao so với giờ cao điểm thông thường theo 03 kịch bản (biểu giá CPP 25 ngày, CPP 20 ngày và CPP 15 ngày).
Cơ cấu giá điện khuyến khích CPP đề xuất chỉ một thành phần điện năng để tăng tính khả thi trong áp dụng và có thể chuyển thành cơ cấu biểu giá điện khuyến khích công suất cực đại thời gian thực CPP hai thành phần khi biểu giá bán lẻ điện Việt Nam áp dụng rỗng rãi cơ chế giá hai thành phần. Về mức khuyến khích khách hàng tham gia đề tài sử dụng kinh nghiệm quốc tế với mức chiết khấu 5% giá các giò còn lại ngoài giờ sự kiện DR xuất hiện (quốc tế chiết khấu cho khách hàng khoảng từ 2,5% - 5%).
Lượng hóa tiềm năng điều chỉnh phụ tải điện trong chương trình DR điều chỉnh phụ tải đỉnh của Hệ thống điện hàng năm cho 2 nhóm khách hàng sản xuất và kinh doanh dịch vụ khi áp dụng cơ chế giá điện CPP đề xuất.
Ngoài ra, đề xuất những nội dung cần thiết làm cơ sơ xây dựng văn bản pháp lý về quy định về biểu giá điện công suất cực đại thời gian thực CPP cho chương trình điều chỉnh phụ tải điện hoàn thiện các quy định pháp lý hiện hành để triển khai áp dụng thực tế trong thị trường điện Việt Nam.