Bản tin năng lượng số 26/2022
Chính phủ cùng các công ty của Na Uy có nhiều kinh nghiệm phát triển trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi để chia sẻ kiến thức về chính sách, công nghệ, bài học điển hình đã triển khai thành công và hỗ trợ tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam.
Kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi từ Na Uy
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) mới đây đã chủ trì tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi” tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, với điện gió ngoài khơi, đây là loại hình điện năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng khai thác lớn do có vùng biển rộng lớn, do số giờ vận hành trong năm cao... Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện, dự kiến nâng tổng công suất điện gió từ khoảng trên gần 4.000 MW năm 2022 lên đến khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đến 2045, tổng công suất điện gió khoảng 122,45 GW, trong đó điện gió ngoài khơi là 66,5 GW.
Tuy nhiên, loại hình nguồn điện gió ngoài khơi chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy trình và thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn dẫn đến việc hiện thực hóa lượng công suất quy hoạch lên tới 7.000 MW vào năm 2030 thực sự là một thách thức lớn.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi từ các đối tác Na Uy
Theo ông Đặng Hoàng An, thời gian qua, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, trong đó có Chính phủ Na Uy về chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phù hợp nhằm khai thác nguồn tiềm năng thiên nhiên này cũng như thúc đẩy chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ góp phần gia tăng việc làm, từng bước tăng năng lực sản xuất trong nước và gia tăng tỷ trọng nội địa hóa trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Thứ trưởng mong muốn, trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và các doanh nghiệp của Na Uy trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện gió ngoài khơi, lĩnh vực mà Chính phủ và các công ty của Na Uy nói chung, Công ty Equinor nói riêng đã có nhiều kinh nghiệm phát triển nhằm tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen cho biết: Na Uy có nhiều kinh nghiệm trong lắp đặt các công trình dầu khí ngoài khơi. Tất cả những kinh nghiệm và công nghệ này có thể được ứng dụng hiệu quả trong ngành điện gió ngoài khơi hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Đại sứ cho rằng, việc Equinor - công ty năng lượng lớn nhất Na Uy chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội mới đây cũng là một thành tựu lớn vì đây là công ty năng lượng lớn nhất Na Uy, cam kết phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam; nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn trong nước; xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh mẽ trong nước của ngành điện gió ngoài khơi; tạo thêm nhiều việc làm có kỹ năng trong nước; sản xuất điện với chi phí thấp hơn...
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện từ Công ty Equinor cũng chia sẻ những kinh nghiệm mà công ty đã và đang thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi tại Na Uy cũng như các quốc gia khác.
Tập đoàn Đan Mạch nghiên cứu đầu tư điện gió ngoài khơi tại Quảng Ninh
Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy tiếp và làm việc với đoàn công tác Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam về việc nghiên cứu đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi tại Quảng Ninh.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Carsten Baltzer Rode, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đề xuất Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), một tập đoàn uy tín về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Đan Mạch tới khảo sát một số địa điểm có nhiều nguồn gió và nghiên cứu đầu tư điện gió ngoài khơi tại Quảng Ninh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy làm việc với đoàn công tác Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam
Trao đổi với đoàn công tác Đại sứ quán Đan Mạnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và định hướng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Quảng Ninh hiện là trung tâm sản xuất điện của cả nước với hệ truyền tải điện đa dạng, cùng với đó Quảng Ninh cũng là địa phương có thể sản xuất khoảng 13GW điện gió ngoài khơi. Đây là những lợi thế so sánh để thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và hiện đang có nhiều nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát đo gió tại tỉnh Quảng Ninh.
Ông Cao Tường Huy giao Sở Công Thương Quảng Ninh phối hợp với nhà đầu tư Đan Mạch triển khai việc khảo sát, nghiên cứu một cách khoa học, đạt hiệu quả cao để các vị trí khảo sát không trùng lặp với các nhà đầu tư khác. Từ đó tạo tiền đề phát triển điện gió ngoài khơi tại Quảng Ninh.
Gia Lai yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió, điện mặt trời
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai vừa có công văn số 1967/SKHĐT-ĐN gửi chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành dự án theo đúng nội dung đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai yêu cầu các nhà đầu tư đăng ký điều chỉnh tiến độ để được xem xét theo đúng quy định pháp luật trong trường hợp dự án không triển khai theo đúng tiến độ; tuân thủ quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, phòng cháy và chữa cháy; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các nội dung đã cam kết với các địa phương về hỗ trợ đầu tư hạ tầng, an sinh xã hội; thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định; phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
Một dự án điện gió tại Gia Lai
Qua khảo sát, đánh giá nguồn năng lượng tái tạo có khả năng khai thác và sử dụng thì tỉnh Gia Lai có thể phát triển các dự án điện mặt trời với quy mô công suất đạt khoảng 7.500MW; các dự án điện gió với quy mô công suất đạt khoảng 11.950MW.
Hiện Gia Lai có hơn 170 dự án điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đầu tư trên 720.000 tỷ đồng.
Ngân Hà