Tương lai nào đang chờ ngành hàng không?
Bên cạnh những kết quả tích cực, một số yếu tố đang gây ra triển vọng không chắc chắn cho ngành hàng không toàn cầu năm 2022.
Ngành hàng không toàn cầu đang “lạc quan” về triển vọng phát triển của ngành trong năm 2022 trong bối cảnh các hạn chế liên quan đến biến thể Omicron được nới lỏng hoặc dỡ bỏ, và ghi nhận kết quả đáng khích lệ: Lưu lượng hành khách năm 2021 phục hồi lên mức 42% của năm 2019 và lưu lượng hàng hóa tăng 7% so với năm 2019.
Du lịch nội địa dẫn đầu sự phục hồi về lưu lượng hành khách vào năm 2021, giảm 28% so với mức năm 2019, trong khi du lịch quốc tế phục hồi chậm hơn, giảm 75,5% so với mức trước đại dịch, trong đó Châu Á - Thái Bình Dương bị bỏ lại phía sau so với các khu vực khác do các đợt đóng cửa biên giới, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến gần đây.
Dấu hiệu tích cực
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không toàn cầu năm ngoái nói chung vẫn thấp hơn 58,4% so với mức trước đại dịch, IATA cho biết.
Tuy nhiên, lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không ghi nhận kết quả tích cực trong năm 2021, tăng 18,7% so với năm 2020, khiến nó trở thành một nguồn doanh thu quan trọng cho các hãng hàng không.
Triển vọng vận tải hàng hóa “tiếp tục khả quan” vào năm 2022, bất chấp sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra.
Theo dự báo của Cirium, một đơn vị phân tích hàng không toàn cầu có trụ sở tại London, ngành hàng không sẽ tăng trưởng 47% trong năm nay.
"Nhìn chung, ngành hàng không kết thúc năm 2021 với phong độ tốt hơn so với đầu năm", Willie Walsh, Tổng Giám đốc IATA, cho biết. “Bước sang năm 2022, tôi nghĩ rằng sẽ có tác động ngắn hạn do các hạn chế mà nhiều nước đặt ra để đối phó với biến thể Omicron từ cuối tháng 11”.
“Nhưng ngày càng nhiều chính phủ đang xem xét các hạn chế đó. Và chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng một số hạn chế, nếu không muốn nói là tất cả, đang bắt đầu được nới lỏng hoặc loại bỏ. Đó là một dấu hiệu tích cực cho ngành”, Walsh nhận định.
Về việc áp đặt các hạn chế đi lại quốc tế, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili cho biết, “Khi nói đến việc ngăn chặn sự lây lan của các biến thể virus mới, áp dụng các hạn chế đi lại chỉ đơn giản là phản tác dụng. Trên thực tế, bằng cách làm gián đoạn huyết mạch du lịch, những hạn chế này gây hại nhiều hơn là có lợi, đặc biệt là ở các điểm đến phụ thuộc vào khách du lịch quốc tế để có việc làm, phát triển kinh tế và thay đổi bền vững”.
Các yếu tố cần theo dõi
Bên cạnh những kết quả tích cực, IATA cảnh báo, các yếu tố như giá nhiên liệu máy bay tăng, chi phí nhân công cao hơn và tình trạng thiếu lao động, đang gây áp lực lên chi phí hoạt động của các hãng hàng không.
Giá nhiên liệu máy bay trung bình, yếu tố lớn nhất trong cơ sở chi phí của một hãng hàng không, đã tăng lên khoảng 101 USD/thùng vào tháng 1/2022, cao hơn đáng kể so với dự báo giá của IATA hồi tháng 10/2021 là 77,8 USD/thùng.
“Rõ ràng, đây là yếu tố mà các hãng hàng không phải theo dõi chặt chẽ”, Walsh cho biết. “Với những gì chúng tôi đã thấy trong vài năm qua, hầu hết các hãng hàng không đều không có biện pháp phòng ngừa rủi ro đáng kể nào để bảo vệ họ trước đà tăng của giá dầu”.
Giá nhiên liệu máy bay tăng sẽ là một yếu tố quyết định giá vé máy bay trong năm nay, ông cho biết thêm. Mặc dù giá dầu cao hơn thể hiện một “thách thức tài chính” đối với các hãng hàng không, nó cũng là dấu hiệu cho thấy các điều kiện kinh tế mạnh hơn, thường là có lợi cho ngành.
Ngành hàng không đã trải qua một biến động lớn về nhân sự, với việc một lượng lớn nhân viên lành nghề đã phải nghỉ việc khi các hãng hàng không buộc phải tái cơ cấu và các hạn chế đi lại do các chính phủ trên thế giới áp đặt gây ra sự không chắc chắn, trong khi các nhân viên còn lại tạm thời không thể làm việc do bị nhiễm Covid-19.
Khi xét đến cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Airbus và Qatar Airways, Walsh cho biết, việc nhà sản xuất máy bay châu Âu quyết định hủy đơn đặt hàng của hãng hàng không này là một diễn biến “hoàn toàn mới” và “đáng lo ngại”.
Tổng Giám đốc IATA và giám đốc điều hành các hãng hàng không khác muốn tìm hiểu những vấn đề cơ bản đằng sau việc hủy đơn hàng.
“Tôi không muốn nghĩ rằng một trong những nhà cung cấp đang tận dụng sức mạnh thị trường hiện tại để khai thác vị thế của họ, và đó là điều mà chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ”, Tổng Giám đốc IATA nói với các phóng viên.
Khi được hỏi về tác động của cuộc xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine đối với ngành hàng không, Walsh cho biết, điều đó không có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến lưu lượng của các hãng hàng không trong khu vực này, vì hầu hết các hãng đều đã tránh không phận này do những căng thẳng đã diễn ra từ trước.
Minh Đức (Theo The National News, UNWTO website, Travel Daily Media)