Thêm nguồn lực hỗ trợ ĐBSCL phát triển bền vững
ĐBSCL là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước.
Tuy nhiên, nơi đây đang phải đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để giúp ĐBSCL có thể vươn mình mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế cũng góp phần không nhỏ để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vùng đất này.
Vườn ươm và trồng thử nghiệm các giống cây có thể thích nghi với đất trồng lúa bị nhiễm mặn. Trong điều kiện thực tế, các loại cây trồng này đều có thể sinh trưởng tốt. Đây là dự án mà trường Đại học Cần Thơ đang triển khai tại các địa phương ĐBSCL với sự hỗ trợ từ Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia - ACIAR.
TS. Đặng Duy Minh, khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: "Phía Australia hỗ trợ trường Đại học Cần Thơ thực hiện rất nhiều dự án mang ý nghĩa thiết thực cho ĐBSCL. Dự án gần đây nhất là đa dạng cây trồng trên nền đất lúa trong điều kiện nhiễm mặn ở ĐBSCL để giúp nông dân có thêm thu nhập vào thời điểm hạn hán và xâm nhập mặn".
Hiện Australia đang hợp tác triển khai nhiều dự án nhằm hỗ trợ phát triển bền vững ĐBSCL. Đó là dự án đánh giá thích ứng biến đổi khí hậu lên hệ thống sản xuất lúa ở ĐBSCL, dự án sản xuất tôm - lúa hay sử dụng các chương trình "Internet vạn vật" và Trí tuệ nhân tạo để tăng cường quản lý hệ sinh thái của Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp…
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ, nói: "Những dự án này cho thấy Australia với lợi thế về công nghệ sẽ giúp nông nghiệp ĐBSCL đi vào chiều sâu hơn. Chúng tôi kỳ vọng với những tiến triển rất tốt thì đây sẽ là bước khởi đầu để Australia đầu tư nhiều dự án hơn nữa vào ĐBSCL".
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi cũng có một Chương trình Hợp tác Australia - Mekong trị giá 232 triệu đô la Úc cho các quốc gia trong khu vực tiểu vùng sông Mekong. Hiện nay chúng tôi đang tìm kiếm các cơ hội và các sáng kiến có thể thực hiện được trong khuôn khổ chương trình này. Và trên thực tế có một số dự án đã được bắt đầu triển khai. Chúng tôi đã có rất nhiều cam kết cho đến nay và điều đó nói lên sự hợp tác bền chặt của Australia và Việt Nam cũng như cam kết của chúng tôi để tiếp tục duy trì mối quan hệ này trong tương lai".
Từ năm 2000, Australia đã đóng góp hơn 650 triệu đô la Úc nhằm hỗ trợ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, tăng cường dịch vụ công, xây dựng nguồn nhân lực và thúc đẩy đổi mới cho ĐBSCL.