Mở cửa du lịch quốc tế: Còn nhiều rào cản thực thi
Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022, tuy nhiên, sau hai tháng vẫn còn không ít khó khăn, rào cản kỹ thuật đê thực thi hiệu quả.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vừa công bố Báo cáo nhanh tình hình mở cửa du lịch quốc tế và các đề xuất nhằm cải thiện một số thách thức, rào cản kỹ thuật để gia tăng hiệu quả thực thi chủ trương mở cửa du lịch quốc tế.
Việt Nam đang thực hiện chủ trương mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam theo hướng thích ứng, linh hoạt, hiệu quả |
Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, theo báo cáo, thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 3/2022, Việt Nam đón được 15.000 lượt khách du lịch quốc tế, tháng tư đón được 80.000 lượt khách. Tính chung 4 tháng đầu năm đón được 102.358 lượt khách.
Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban IV cho rằng, kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam từ ngày 15/3/2022 là một quyết định mạnh mẽ, kịp thời và đáp ứng đòi hỏi của ngành du lịch, tuy nhiên, so với con số khách vào 4 tháng đầu năm thì chúng ta mới đạt được 50% số ước tính để đạt được chỉ tiêu.
Nêu lý do, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban IV cho hay, về khách quan là vì hiện giá thành các chuyến du lịch tăng cao cộng với thu nhập khả dụng của du khách bị giảm do lạm phát cao ảnh hưởng đến số khách đặc biệt là từ châu Âu; các thị trường lớn truyền thống của Việt Nam chưa sẵn sàng, như Trung Quốc chưa mở cửa cho du lịch vì chiến lược Zero-Covid; Hàn Quốc chỉ thật sự mở cửa cho du lịch ra nước ngoài (không phải cách ly khi quay về) từ 1/4/2022; Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay vẫn đang áp dụng chính sách cách ly khi khách du lịch quay về từ một số quốc gia vì vậy chưa thể có triển vọng phát triển du lịch ra nước ngoài.
Ngoài ra, thời điểm mở cửa rơi vào cuối mùa cao điểm của du lịch inbound (thường từ tháng 10 đến hết tháng 4 hàng năm) và thiếu sự chuẩn bị cần thiết trước đó một vài tháng để thu hút và xây dựng niềm tin cho các thị trường gửi khách.
Về lý do chủ quan, các hoạt động truyền thông và xúc tiến của du lịch Việt Nam ở nước ngoài chưa được đẩy mạnh; chính sách thị thực còn một số bất cập. Chính sách thị thực nói chung chưa thực sự được áp dụng như trước khi xảy ra đại dịch. Những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới, chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Trước những khó khăn, rào cản tồn tại trong việc đón khách du lịch quốc tế, vì thế, để thực hiện mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, góp phần phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, TAB và Ban IV đã đưa ra một số đề xuất.
Cụ thể, cần có chính sách thị thực cởi mở hơn. Theo Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban IV, chính sách miễn thị thực là chính sách đầu tiên và có thể nói là quan trọng hàng đầu mà các doanh nghiệp du lịch mong đợi. Chính sách này còn đáng quý hơn cả chính sách thuế khóa và tài chính. Do đó, doanh nghiệp mong chính sách thị thực thuận lợi hơn để đón được nhiều khách.
Theo đó, Việt Nam cần mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước: Hoa Kỳ,Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan. Điều này sẽ giúp ngành du lịch mở rộng thêm các thị trường du lịch để không bị lệ thuộc vào một vài thị trường nào đó. Đồng thời tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và các nước Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày.
Cho phép khách du lịch từ các quốc gia được miễn thị thực được phép tái nhập cảnh nhiều lần. Thị thực xuất-nhập cảnh nhiều lần có thể kéo dài thời gian lưu trú của khách. Chúng ta nên xem xét việc kéo dài thời gian lưu trú để khuyến khích khách ở Việt Nam lâu hơn, nhất là khi sản phẩm nghỉ dưỡng biển của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và có tính cạnh tranh cao với Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Đối với thị thực điện tử, cần tạo điều kiện thuận tiện hơn như có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả và có thông báo lý do từ chối đối với các hồ sơ không được cấp thị thực; mẫu khai báo và giao diện trang web thị thực điện tử nên bổ sung thêm các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh và tiếng Việt.
Đối với thị thực tại cửa khẩu, nên bãi bỏ quy định cung cấp các bản in mà trước Covid-19 không yêu cầu, như chương trình tour chi tiết (trung bình 2-3 trang giấy A4), xác nhận phòng khách sạn, bản sao vé máy bay… Nếu cần thiết thì chỉ cần một công văn (bản mềm) xác nhận của công ty lữ hành cung cấp cho khách.
Cùng với, Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia và Ban IV đề xuất, chỉ yêu cầu khách du lịch mua bảo hiểm du lịch với hạn mức tối thiểu 10.000 USD và bỏ yêu cầu bao gồm nội dung dành cho điều trị Covid-19; cần điều chỉnh ứng dụng PC-Covid cho phép sử dụng email hoặc số điện thoại nước ngoài đăng nhập để nhận mã OTP khi cài đặt ở nước ngoài; hoặc trong trường hợp khách chưa cài đặt được từ nước ngoài thì phải có thông báo cho khách lý do vì sao thiết bị của khách chưa cài đặt được.
Mặt khác, cần tổ chức các chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam mở cửa đón khách du lịch quốc tế tại các thị trường trọng điểm quốc tế như chuyến Roadshows, Sales Calls, tham dự hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức các sự kiện Việt Nam (Vietnam Days) ở nước ngoài như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...; Thúc đẩy việc mở lại và vận hành các văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài.
Đặc biệt là cần đẩy mạnh tiếp thị số ra các thị trường chính. Như, tổ chức các chiến dịch truyền thông quốc tế, tăng cường hoạt động e-marketing (trang web Vietnam.travel và các trang mạng xã hội). Ngoài ra, Việt Nam cần phải củng cố niềm tin của khách du lịch quốc tế, đặc biệt ở các thị trường trọng điểm bằng cách quảng bá rộng rãi kế hoạch mở cửa đón khách thông qua các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông quốc tế, các bài viết trên trang web vietnam.travel và các trang mạng xã hội liên tục cập nhật thông tin về mở cửa.
Đáng chú ý, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban IV đề xuất thành lập Tổ công tác đặc biệt gồm đại diện khu vực công – tư để đảm bảo việc điều hành linh hoạt, khoa học và thuận lợi cho tất cả các bên. Theo đó, Tổ công tác này sẽ thực hiện hoặc hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các báo cáo hàng tháng trình Chính phủ, đồng gửi các Bộ, ngành, địa phương liên quan để đúc kết các bài học, đề xuất cải thiện các quy định cho mở cửa du lịch quốc tế được thông thoáng và thuận lợi hơn.