Tăng tốc đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang sụt giảm. Song tốc độ giải ngân vẫn chậm. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu năm 2023 giải ngân đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để đạt được.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 7 tháng ước đạt 37,85% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (34,47%).
Ì ạch giải ngân
Tại thời điểm này có 12 bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên tỷ lệ trung bình của cả nước (35%). Tuy nhiên, vẫn còn 40 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới tỷ lệ trung bình của cả nước. Trong đó, có 32 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chỉ giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.
Trong đó đáng lo ngại, những “đầu tàu” như TPHCM, Đà Nẵng trước đây có tỷ lệ giải ngân cao thì nay đang có tỷ lệ giải ngân ở mức thấp. Tính đến hết ngày 4/8, TPHCM mới giải ngân được khoảng 18.646 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 27,2% tổng số vốn giao (68.490 tỷ đồng). Tương tự, tính đến 30/6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Đà Nẵng đạt 19,3% kế hoạch (thấp hơn mức 30% mục tiêu thành phố đề ra thời điểm đầu năm 2023).
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 6 và 7/2023 là 2 tháng liên tiếp có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, nhiều bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân thấp, không có chuyển biến nhiều qua các tháng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc tính toán giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng, đất lúa mất nhiều thời gian; giá nguyên vật liệu tăng cao; các dự án giao thông cần một khối lượng lớn đất cấp phối để phục vụ thi công nhưng thời gian xin giấy phép khai thác mỏ dài và số lượng mỏ đất đá hạn chế cũng ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn.
Cũng chính vì lẽ đó, tại nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 7, Chính phủ yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công để đạt được mục tiêu đề ra. Các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023; quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân năm 2023 trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%. Điều này khiến mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% vô cùng thách thức. Vậy làm thế nào để thúc đẩy vốn đầu tư công, để không còn tình trạng “có tiền mà không tiêu được”?
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ. Xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng càng về cuối năm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ càng tăng nhanh hơn. Do đó phấn đấu tối đa sẽ đạt được mục tiêu giải ngân 95%.
Song để đạt được mục tiêu trên, theo ông Lực, trong quá trình triển khai vướng đến đâu phải tháo gỡ ngay ở đó. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Công điện, Chỉ thị. Bây giờ cần thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng trong các khâu giải phóng mặt bằng, vật liệu, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính để giải quyết khẩn trương những vướng mắc” - ông Lực nêu quan điểm.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, những nơi giao chỉ tiêu mà không hoàn thành thì cần xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu. “Vấn đề vướng mắc lớn nhất là tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh. Không làm thì không sao, còn làm thì sợ sai. Ngoài ra, các quy định pháp luật đang có sự chồng chéo, mỗi người hiểu theo một cách khác nhau. Cho nên cần có cơ chế xem xét đối với các trường hợp sai do không cố ý, còn sai phạm do cố tình, có vụ lợi thì mới xử lý. Như vậy mới khích lệ để họ dám làm. Hiện có một bộ phận cán bộ không dám làm vì sợ sai chứ không phải không có tiền, nên mới dẫn đến chuyện có tiền mà không tiêu được” - ông Hiếu nói.
Tại Nghị quyết số 124 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Chính phủ trong tháng 10/2023 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2020 của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn để tiếp tục đơn giản hóa trình tự, thủ tục, tăng cường phân cấp trong quản lý đầu tư công.