Môi giới bất động sản “vỡ mộng”, bỏ nghề khi thị trường trầm lắng
Khi thị trường bất động sản sôi động, không ít người đã nhảy việc sang làm môi giới, nhưng khi thị trường chững, giao dịch đến chậm sẽ cảm thấy chán nản rồi bỏ nghề.
Anh Phát kể, năm 2021, thấy thị trường bất động sản khắp nơi liên tục lên cơn sốt. Bạn bè của anh đang làm môi giới bất động sản đều kiếm bội tiền, thậm chí, có người mua được nhà sắm được xế hộp. Trong khi đó, anh chỉ làm công việc văn phòng lương cũng không được nhiều.
“Thời điểm đó, nhiều bạn bè của tôi cũng rủ đi làm môi giới bất động sản. Năm 2021 dịch bệnh kéo dài, công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng. Do đó, tôi xin nghỉ việc để đi làm môi giới bất động sản. Khi đó, bạn bè có tư vấn cho tôi về vùng ven làm thì sẽ có nhiều giao dịch hơn nội đô, theo đó tiền hoa hồng cũng sẽ khác”, anh Phát kể.
Nhanh chóng, anh Phát cũng học được nghề từ cách tìm kiếm khách hàng, tư vấn khách, rồi đến giao dịch. Thời gian đầu, do thị trường bất động sản sôi động nên anh Phát cũng dễ dàng có giao dịch. Tuy nhiên, ngày vui chẳng được bao lâu, đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản đột ngột “quay xe” hạ nhiệt. Do đó, suốt thời gian dài tới nay anh Phát cũng không phát sinh thêm giao dịch.
“Suốt thời gian dài thôi không có giao dịch. Tôi đã gọi tất cả khách cũ và chạy quảng cáo nhưng chỉ tốn thêm tiền cũng không có khách mua. Bây giờ tìm đến văn phòng cũng chỉ có người muốn bán. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều môi giới bất động sản”, anh Phát nói.
Tương tự, anh Hoàng, môi giới bất động sản tại Bắc Ninh cho biết, thị trường bất động sản từ đầu quý II tới nay trầm lắng, người mua ít nhưng người bán nhiều. Theo đó nhiều tháng nay anh cũng không có giao dịch bất động sản nào.
“Tôi đã làm môi giới được gần 2 năm. Thời kỳ sốt đất nhiều người bán có khi không cần tới môi giới, vì muốn bán rất dễ. Đến khi thị trường chững lại, người mua không có kéo theo môi giới cũng không có giao dịch”, anh Hoàng nói.
Anh Hoàng cho biết, mới đây, anh cũng phải bỏ nghề về nhà mở cửa hàng cà phê kinh doanh.
Anh Quốc Anh, Giám đốc phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, ngay cả ở văn phòng anh, trước kia có 23 nhân viên môi giới, nhưng trong 4 tháng đã có 10 người nghỉ việc chuyển nghề.
“Giao dịch ít nhưng môi giới nhiều, nên nhiều người không thể xoay sở kiếm tiền được buộc phải chuyển nghề. Bây giờ tôi đăng tuyển thêm người làm mã cũng rất khó”, vị Giám đốc phòng giao dịch chia sẻ.
“Còn nhóm môi giới làm nghề trên 5 năm, có nhiều vốn tích lũy hơn họ cũng đã đầu tư vào bất động sản thời gian qua và kiếm được lời. Giai đoạn chững họ sẽ xoay chuyển kinh doanh thêm hoặc đầu tư mảng khác, nhưng vẫn sẽ túc tắc bám nghề, bởi họ hiểu làm bất động sản sẽ có thời kỳ nhất định, sau đó lại tiếp tục phải nằm gai nếm mật”, anh Quốc Anh đưa quan điểm.
Theo vị Giám đốc, làm môi giới bất động sản là nghề có tính thanh lọc gắt gao, thời điểm này cũng là một giai đoạn để lọc đội ngũ môi giới tâm huyết. “Nhiều người khi thấy sốt đất tưởng môi giới kiếm tiền dễ nên cũng nhảy vào làm, đây chỉ là kiểu làm ăn chộp giật. Đến khi bước chân vào nghề môi giới bất động sản thấy không như những gì nhìn thấy sẽ cảm thấy bị vỡ mộng.
Làm môi giới cũng phải có quá trình tích lũy nhiều năm, xây dựng một tệp khách hàng quen thuộc và cần đến sự nhanh nhạy theo thị trường. Ví dụ, nếu thị trường đất nền tỉnh đã chững có thể di chuyển về trung tâm để bán các sản phẩm nhu cầu thực. Dù không kiếm nhanh như thời điểm sốt những vẫn sẽ có mức thu nhập ổn định”, anh Quốc Anh chia sẻ.