Kỳ 2: "Giai đoạn vàng" để xuất khẩu trực tuyến tăng tốc
Xuất khẩu trực tuyến-thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu, là thời cơ 'vàng' để hàng Việt vươn xa.
Con đường nhanh nhất để đưa hàng Việt ra thế giới
Sự xuất hiện của kênh xuất khẩu trực tuyến - thương mại điện tử - được coi là “cứu cánh” giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, trở thành con đường nhanh nhất để đưa hàng Việt ra thế giới. Đặc biệt, đại dịch đã vô hình chung trở thành cú huých cho xuất khẩu trực tuyến.
Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia và thích ứng tốt với xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới, loại hình có tốc độ tăng trưởng gấp 2,3 lần so tốc độ bình quân của thương mại điện tử nói chung.
"Một số đơn vị điều tra thị trường kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu xuyên biên giới của Việt Nam có thể đạt 11,1 tỉ Đô la Mỹ vào năm 2026 và 12,5 tỉ Đô la Mỹ vào năm 2027 nếu doanh nghiệp được hỗ trợ thông tin, kiến thức" - bà Lại Việt Anh cho biết.
Đại diện iDEA chia sẻ, riêng tại nền tảng thương mại điện tử Amazon, số lượng nhà bán hàng đã tăng rất nhanh trong những năm qua. Năm 2022, mức tăng lên tới 80% và giá trị xuất khẩu tăng 45% so với cùng kỳ.
Chỉ ra những cơ hội đối với xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ: "Thực tiễn đang và sẽ tiếp tục khẳng định xuất khẩu trực tuyến là xu thế tất yếu, cũng là phương thức đa dạng hoá kênh và cách thức để doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng và đơn hàng nhanh chóng, tiếp cận tới mọi thị trường, thực hiện các giao dịch kinh doanh hiệu quả, với khả năng lợi nhuận cao và là con đường nhanh nhất để đưa hàng Việt ra thế giới".
Dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Zion Market Research, từ năm 2020 - 2027, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu sẽ đạt hơn 28%/năm |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong dẫn chứng, theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Zion Market Research, từ năm 2020 - 2027, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu sẽ đạt hơn 28%/năm...
"Thương mại điện tử xuyên biên giới có thể sẽ tăng lên mức 3,3 nghìn tỷ USD trong 2 năm tới. Theo nghiên cứu của Juniper Research (Anh), quy mô thị trường xuất khẩu online đạt khoảng 1.600 tỷ USD vào năm 2023 và có thể vượt qua mốc 3.000 tỷ USD vào năm 2028" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.
Các chuyên gia thương mại điện tử cũng đánh giá, với những lợi thế sẵn có như chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang ở "giai đoạn vàng" để xuất khẩu trực tuyến (online) bật tăng...
Thực tế cho thấy, Việt Nam có thuận lợi lớn ở dân số trẻ, tỷ lệ dùng mạng xã hội cao và thương mại điện tử bùng nổ mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, đóng góp nhiều cho kinh tế đất nước. Chính phủ đang khuyến khích quá trình chuyển đổi và hiện đại hoá cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; xây dựng chính phủ số, doanh nghiệp số và xã hội số trong xu hướng hội nhập và liên thông ngày càng cao với thế giới.
Hơn nữa, Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, với nhiều cam kết và cơ hội tham gia mở rộng thương mại điện tử với các quốc gia thành viên. Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp dù to hay nhỏ và vừa cũng có thể bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu trên tất cả các góc độ, thời gian, không gian và xã hội nếu chủ động nắm bắt và đáp ứng xu hướng này.
Đánh giá tiềm năng của xuất khẩu trực tuyến, ông Đoàn Quốc Tâm - Trưởng ban hợp tác Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, thương mại điện tử xuyên biên giới đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu, tăng cường sự tin cậy và uy tín, tối ưu hóa chi phí và thời gian.
"Qua thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được một lượng lớn người tiêu dùng trên toàn thế giới thông qua Internet, từ đó mở rộng phạm vi tiêu thụ của sản phẩm" - ông Đoàn Quốc Tâm nhấn mạnh.
Đặc biệt, lợi thế là doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có ưu thế cạnh tranh trên toàn cầu cả về giá cả, về chủng loại sản phẩm và mẫu mã. Doanh nghiệp Việt đã bắt đầu tiếp cận, học hỏi và ứng dụng những xu hướng mới vào trong thiết kế và tạo ra những sản phẩm đa dạng, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh...
Các nhà sản xuất và thương hiệu Việt Nam đang có một vị thế rất tốt để khai thác cơ hội xuất khẩu trực tuyến các sản phẩm như may mặc, phụ kiện, nội thất, gia dụng, mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe... Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã đạt mức thâm nhập khá cao trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling Việt Nam đã tổ chức Lễ Công bố sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”. |
Theo dữ liệu từ nền tảng eMarketer, tỷ lệ thâm nhập của thị trường Mỹ và Trung Quốc vượt qua 31%. Tại châu Âu, tỷ lệ thâm nhập xuất khẩu online còn cao hơn, dao động từ trên 33% đến khoảng 51% tại 5 nền kinh tế hàng đầu như Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Đây là chỉ số được tính dựa trên tỷ lệ người tham gia khảo sát thông báo đã từng mua hàng online từ nước ngoài trong năm.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam hiện tại đã có 32% các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua hình thức trực tuyến, giúp họ đa dạng kênh và cơ hội tiếp cận trực tiếp với người mua toàn cầu mà không giới hạn không gian, thời gian và thậm chí còn giúp giảm chi phí xây dựng chuỗi cung ứng, cũng như thiết lập văn phòng đại diện tại các thị trường mục tiêu.
Bên cạnh đó, nhờ tận dụng tốt lợi thế từ các FTA thế hệ mới, nhiều cam kết đã tạo thuận lợi hóa thương mại. Về xuất khẩu trực tuyến trước hết được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan, ưu đãi thủ tục hải quan theo các điều khoản cam kết chung của các FTA. Hệ thống chính sách pháp luật được hoàn thiện, môi trường kinh doanh minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến, giao dịch thông suốt và an toàn.
"Tiếp sức" cho doanh nghiệp Việt kinh doanh trên nền tảng số
Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng, trong đó có xuất khẩu trực tuyến, thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất tích cực cùng các đơn vị, doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xúc tiến qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Một trong những điểm nhấn - theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, bên cạnh các hoạt động đào tạo, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp 63 tỉnh thành tham gia thương mại điện tử, thời gian qua, Bộ đã giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Amazon Global Selling Việt Nam ký Biên bản thoả thuận hợp tác triển khai chương trình “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” tại Việt Nam trong 5 năm từ 2022 - 2026.
Theo thống kê trong năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã bán ra hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon, giá trị xuất khẩu tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. |
Mục tiêu của bản thoả thuận nhằm đào tạo nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới cho dự kiến 10.000 doanh nghiệp trong 5 năm.
"Sau 3 năm triển khai, chúng tôi đã tổ chức thành công 13 khoá học tại 10 tỉnh, thành trên cả nước với sự tham gia của gần 2.000 doanh nghiệp. Đã có 5 doanh nghiệp mở tài khoản và kinh doanh thành công trên nền tảng này. Theo thống kê trong năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã bán ra hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon, giá trị xuất khẩu tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa" - bà Nguyễn Thị Minh Huyền chia sẻ.
Số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ trên 20%/năm. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã và đang đa dạng hóa các chương trình để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hoàn thiện các chính sách xuất khẩu trực tuyến, tìm hiểu các rào cản mà các doanh nghiệp gặp phải và đưa ra các giải pháp tháo gỡ. |
Theo bà Huyền, để thương mại điện tử phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đã và đang triển khai các giải pháp như: Hệ thống Truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; Mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các sàn thương mại điện tử nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới - Go Export nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công các sản phẩm trong nước qua nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới...
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, ngoài phối hợp với sàn thương mại điện tử Amazon, thời gian qua, Cục đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua các nền tảng B2C, cụ thể như Alibaba, giúp cho các doanh nghiệp tìm kiếm và kết nối được nhiều đối tác trên toàn thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí.
Chia sẻ tại buổi công bố 100 doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn tham gia Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com tại Hội nghị quốc tế về xuất khẩu trực tuyến B2B tháng 3 vừa qua, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade), Bộ Công Thương thông tin, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Alibaba tăng thêm số lượng doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn tham gia Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử lên 300 đơn vị, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới thông qua mạng lưới khách hàng rộng lớn của Alibaba.com.
"Điều này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên số của thương mại và kinh doanh, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế bền vững và được quốc tế công nhận" - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận định.
100 doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn tham gia Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com tại Hội nghị quốc tế về xuất khẩu trực tuyến B2B tháng 3/2024. |
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định, tầm quan trọng của chuyển đổi số như một chất xúc tác cho hoạt động kinh doanh. Việc phân tích và triển khai các chiến lược sáng suốt trong thương mại điện tử B2B là yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.
Nhằm tạo điều kiện kết nối thương mại điện tử B2B, ông Đoàn Quốc Tâm - đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang hỗ trợ và đồng hành cùng Sở, ban ngành, địa phương tổ chức các chương trình triển lãm trực tuyến và liên kết vùng nhằm kết nối và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp SMEs có cơ hội tiếp cận các nhà phân phối trong ngoài nước và tiến hành đánh giá thị trường qua kênh online.
“Sắp tới, trong tháng 5 và tháng 6, phía Hiệp hội sẽ thúc đẩy sản phẩm Việt tham gia chương trình đánh giá sản phẩm phù hợp kênh thương mại điện tử xuyên biên giới tại các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào. Hy vọng đây sẽ là chương trình mang lại hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường này” – ông Võ Văn Khanh cho biết.
Kỳ 3: Hành trình đưa hàng Việt Nam ra thế giới