Khơi dậy bản sắc vùng cao, phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở Lạng Sơn
Lạng Sơn xác định phát triển du lịch cộng đồng, gắn bảo tồn bản sắc với phát triển sinh kế, thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng đồng bào miền núi.
Bản sắc dân tộc, nền tảng tạo dựng trải nghiệm khác biệt
Trên những thung lũng phủ sương của vùng núi phía Bắc, các bản làng người Tày, Nùng, Dao, Mông của Lạng Sơn vẫn lưu giữ gần như vẹn nguyên những nếp sinh hoạt truyền thống: Nhà sàn gỗ nghiêng mái bên suối, tiếng then thánh thót ngân lên mỗi chiều chạng vạng, váy áo thổ cẩm rực sắc chợ phiên, hay những lễ hội dân gian như lễ hội Lồng Tồng, lễ cấp sắc, lễ hội hoa đào… Chính từ kho báu bản sắc này, Lạng Sơn đã chọn con đường phát triển du lịch cộng đồng - một hướng đi bền vững, dựa vào dân, làm cho dân và gìn giữ bởi chính dân bản địa.
Từ năm 2022, Lạng Sơn đã triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Trong khuôn khổ quyết định này, Dự án 6 nhằm hướng tới phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Dự án tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa dân tộc; đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân; khuyến khích phục dựng lễ hội, bảo tồn làng nghề, phục hồi nhà sàn, trang phục, ẩm thực, tiếng nói bản địa... phục vụ hoạt động du lịch. Đồng thời, dự án thúc đẩy kết nối doanh nghiệp - hợp tác xã - người dân nhằm tạo chuỗi giá trị bền vững. Đây là một giải pháp nhân văn và đột phá, không chỉ giúp gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân tộc thiểu số.
Những ngôi nhà sàn truyền thống
Dự án đã được triển khai mạnh mẽ tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lạng Sơn. Trong đó, xã Ba Sơn (cũ), nơi phần lớn là người dân tộc Tày sinh sống đã trở thành hình mẫu khi người dân bắt đầu đón khách tại chính ngôi nhà sàn của mình. Du khách đến đây không chỉ ngủ lại, ăn cơm cùng chủ nhà mà còn được học giã bánh dày, nghe kể chuyện bản Mỏ Ba, hái rau rừng, ngâm suối, xem biểu diễn hát then, đàn tính… Một thứ trải nghiệm “đậm chất Lạng Sơn” mà du lịch đại trà không thể có.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, sau gần 5 năm triển khai mô hình, lượng khách du lịch đến với các điểm du lịch cộng đồng đã tăng gần 10 lần. Bà con bắt đầu chuyển đổi từ sản xuất đơn thuần sang kết hợp làm dịch vụ, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Một trong những giá trị cốt lõi của du lịch cộng đồng chính là khả năng gắn kết giữa bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Lạng Sơn đã nhận thức rõ điều này và đưa ra các chính sách đồng bộ để hỗ trợ cộng đồng dân tộc phát triển du lịch một cách chủ động.
Hiện nay, nhiều hộ dân tại Bắc Sơn đã cải tạo nhà sàn, mở dịch vụ homestay theo hướng chuẩn hóa. Một số hộ có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm từ việc đón khách, cung cấp trải nghiệm văn hóa và bán sản phẩm nông sản địa phương như chè dây, mật ong, miến dong, rượu ngô, thổ cẩm…
Những ngôi nhà sàn được chuyển đổi để làm du lịch
Bên cạnh đó, các câu lạc bộ văn nghệ dân gian, đội múa lân, đội then đàn, tổ hướng dẫn viên bản địa… cũng được hình thành để phục vụ du lịch. Nhờ vậy, nhiều nét văn hóa từng có nguy cơ mai một đã được “hồi sinh” và sống động trở lại – không theo lối trình diễn máy móc mà bằng chính sự tự hào và trách nhiệm văn hóa của cộng đồng.
Điểm đáng ghi nhận là mô hình du lịch cộng đồng giúp hồi sinh nhiều giá trị văn hóa đang có nguy cơ mai một. Các câu lạc bộ hát then, đội múa lân, nhóm hướng dẫn viên bản địa… được hình thành không chỉ phục vụ du lịch mà còn là nơi khơi dậy niềm tự hào văn hóa trong cộng đồng.
Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai các chính sách liên kết du lịch cộng đồng với các sản phẩm OCOP và xây dựng các tuyến du lịch văn hóa kết nối vùng đồng bào dân tộc với các điểm đến nổi tiếng như thành nhà Mạc, đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, cửa khẩu Hữu Nghị, khu du lịch Mẫu Sơn, suối Long Đầu…
Du lịch bền vững: Giữ hồn bản làng, kết nối tương lai
Tính đến giữa năm 2025, toàn tỉnh đã có gần 40 điểm du lịch cộng đồng được định hình tại 8 huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển ít nhất 80 điểm du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề, lễ hội truyền thống, cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa phi vật thể.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Lạng Sơn đang ưu tiên các giải pháp như hỗ trợ đào tạo kỹ năng du lịch cho người dân bản địa; Huy động nguồn vốn tín dụng ưu đãi để cải tạo hạ tầng homestay; Kết nối với doanh nghiệp lữ hành lớn để hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng vùng cao; Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quảng bá văn hóa và điểm đến.
Thảo nguyên Đồng Lâm, thuộc điểm du lịch cộng đồng Hữu Liên- Lạng Sơn.
Không dừng lại ở đó, tỉnh cũng đang phối hợp với các địa phương có đông khách du lịch như Đà Nẵng, TP.HCM, Quảng Ninh để tổ chức roadshow quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng Lạng Sơn, hướng đến xây dựng thương hiệu “Xứ Lạng - Trải nghiệm bản sắc vùng cao” trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, để giữ được “hồn cốt” trong phát triển du lịch, tỉnh xác định rõ nguyên tắc “không đánh đổi văn hóa lấy kinh tế’. Các mô hình du lịch cộng đồng bắt buộc phải giữ gìn không gian truyền thống, không lai tạp kiến trúc, không thương mại hóa các nghi lễ tâm linh, không “sân khấu hóa” các hoạt động bản địa một cách méo mó.
Du lịch cộng đồng Lạng Sơn với nền tảng văn hóa dân tộc thiểu số không còn là câu chuyện mang tính thử nghiệm. Đó là hướng đi có chiều sâu, được hoạch định chiến lược, có chính sách hỗ trợ cụ thể, có sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Không gian sống của người dân vùng cao giờ đây không chỉ là nơi an cư mà còn là “bảo tàng sống” của bản sắc, nơi du khách đến để trải nghiệm, học hỏi và lưu giữ những khoảnh khắc không thể tìm thấy trong các đô thị hiện đại.
Khám phá văn hóa dân tộc Lạng Sơn qua du lịch cộng đồng không chỉ là hành trình khám phá miền đất mà còn là hành trình khám phá tâm hồn, sự gắn bó giữa con người, văn hóa, thiên nhiên. Chính hành trình đó sẽ đưa Lạng Sơn tiến xa hơn trên bản đồ du lịch văn hóa Việt Nam và khu vực.
Tính đến giữa năm 2025, Lạng Sơn có gần 40 điểm du lịch cộng đồng tại 8 huyện có đông đồng bào dân tộc sinh sống.Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển ít nhất 80 điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, lễ hội và di sản. Hơn 50 cuộc trình diễn, giao lưu văn hóa đã được tổ chức, hỗ trợ 19 nghệ nhân dân tộc truyền dạy văn hóa truyền thống. Một số hộ dân đạt thu nhập 200–300 triệu đồng/năm nhờ làm homestay, bán sản vật địa phương.Du lịch cộng đồng trở thành hướng phát triển bền vững, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.