Giữ ổn định lãi suất – Chìa khóa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy đầu tư
Theo ThS. Trương Hoàng Tuấn, Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á Chi nhánh An Giang (VietABank An Giang) cho biết, mặt bằng lãi suất giữ ổn định không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, mà còn góp phần giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư và củng cố niềm tin thị trường.
Phóng viên: Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), cổ phiếu VAB của VietABank sẽ bắt đầu giao dịch từ ngày 22/7/2025, ông có thể chia sẻ thêm thông tin thêm về cổ phiếu VAB trước ngày giao dịch?
Ông Trương Hoàng Tuấn: Theo thông báo của HOSE, cổ phiếu VAB của VietABank sẽ bắt đầu giao dịch từ ngày 22/7/2025 với tổng khối lượng niêm yết đạt 539.960.043 cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 14.250 đồng/cổ phiếu, biên độ giao dịch 20%.
Việc niêm yết trên sàn HOSE được thực hiện theo Quyết định số 514/QĐ-SGDHCM, có hiệu lực từ ngày 26/6/2025. Trước đó, VietABank đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 và 2024 với kết quả kinh doanh khả quan.
Tính đến quý I/2025, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 129.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 84.910 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu xấp xỉ 9.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý đầu năm đạt 353 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,37%.
Hiện ngân hàng có gần 100 điểm giao dịch trên toàn quốc, đẩy mạnh chuyển đổi số và mở rộng mạng lưới bán lẻ. VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 1.306 tỷ đồng.
ThS. Trương Hoàng Tuấn, Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á Chi nhánh An Giang (VietABank An Giang)
Phóng viên: Thời gian gần đây, lãi suất huy động tại một vài ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ ở một số kỳ hạn. Đâu là nguyên nhân khiến lãi suất tăng nhẹ tại một số ngân hàng, thưa ông?
Ông Trương Hoàng Tuấn: Theo tôi nguyên nhân chủ yếu là các ngân hàng cần thu hút lượng tiền gửi để có nguồn vốn phục vụ nhu cầu cho vay ra, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng nửa đầu năm tăng gần 10%, cao nhất trong nhiều năm. Áp lực tăng trưởng tín dụng cao cũng tạo sức ép trên thị trường liên ngân hàng. Có thời điểm, lãi suất qua đêm đã chạm mức 6,4%/năm. Tuy nhiên, sau hàng loạt động thái “bơm thanh khoản” cho hệ thống từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm về khoảng 4,6%/năm.
Lãi suất huy động đang có thể kiềm giữ nhờ Ngân hàng Nhà nước. Nếu nhà điều hành vẫn tiếp tục “bơm thanh khoản” nhiều cho hệ thống thì lãi suất vẫn duy trì thấp. Cùng với đó, nếu các ngân hàng bắt đầu rục rịch đà tăng lãi suất, ngay lập tức nhà điều hành sẽ can thiệp. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt, nếu giữ lãi suất thấp trong bối cảnh hiện tại, áp lực tỷ giá sẽ rất lớn.
Trong báo cáo mới đây về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Trong đó, lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian qua, khiến dư địa điều chỉnh tiếp trở nên hạn hẹp. Đồng thời, nhu cầu tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được dự báo sẽ tăng mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi đó, khả năng huy động vốn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn do sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác...
Phóng viên: Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng, theo ông Ngân hàng Nhà nước thực hiện giải pháp ra sao để giữ ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế?
Ông Trương Hoàng Tuấn: Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng, theo tôi Ngân hàng Nhà nước cần điều hành linh hoạt để cân bằng giữa ổn định lãi suất và biến động tỷ giá, thông qua nhiều biện pháp như phát hành tín phiếu, hay chào mua giấy tờ có giá… Qua đó hỗ trợ các ngân hàng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ cơ quan điều hành để có điều kiện giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, theo chỉ đạo của Chính phủ.
Với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, tôi tin chắc rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì ổn định.
Phóng viên: Xin chân trọng cảm ơn ông!