HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%
Việt Nam cũng được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh.
Ảnh minh họa.
Đại diện HSBC cho biết, bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang rất nỗ lực, thậm chí là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP. HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%.
Trong quý II/2022, GDP của Việt Nam đạt 7,7%, mức tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua, nhờ sự phục hồi trên diện rộng, mở cửa hoàn toàn, nhu cầu trong nước hồi phục trở lại, sản xuất tiếp tục tăng mạnh, xuất khẩu đạt mức tăng trưởng lịch sử.
Thời gian qua, liên tiếp các tổ chức xếp hạng như Fitch, S&P, Moody's đều đã nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam. Trong khi đó, chỉ số quản lý mua hàng PMI - thước đo "sức khỏe" ngành sản xuất trong nền kinh tế - đạt 52,7 điểm trong tháng 8, chứng tỏ sự cải thiện vững vàng của khu vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh hiện đã được củng cố trong 11 tháng liên tiếp.
"Việt Nam, quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, đang tham vọng muốn trở thành một nước phát triển, đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Tầng lớp trung lưu cao (upper middle class) dự kiến sẽ tăng trung bình 17% cho đến năm 2030", ông Tim Evans - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá.
Cùng nhận định, ông Alain Cany - Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đánh giá cao về thành quả tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đã có được trong thời gian qua sau hơn hai năm khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 căng thẳng. Đồng thời, mặc dù khẳng định bối cảnh thể giới vẫn còn bất ổn nhưng ông Alain Cany vẫn cho rằng triển vọng của Việt Nam vẫn khá tích cực.
Trong đó, động lực chính là lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ, giúp Việt Nam trở thành một trong những lực lượng lao động lớn nhất thế giới xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số. Với nguồn cung lao động chất lượng cao và giá cả phải chăng của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hoạt động sản xuất sang quốc gia này.
Ngoài ra, sản xuất phục vụ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là hai yếu tố đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam . Tính đến năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam chiếm 19% GDP, tăng lên đáng kể so với mức dưới 1% của năm 2010. Trên thực tế, thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện đã vượt qua Malaysia và Thái Lan.