Tăng trưởng kinh tế là động lực cho tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm
Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 9 tháng đầu năm, với yếu tố chính từ sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố nhờ việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn để tăng trưởng và phát triển.
Ảnh minh họa
Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phục hồi nhanh và tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2022, GRDP của thành phố tăng: 9,71% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng cao nhất so với nhiều năm trước đây. Ở góc độ quản lý, sự phục hồi và tăng trưởng nhanh của kinh tế thành phố sau đại dịch, phản ánh hiệu quả thực hiện hệ thống các giải pháp của Chính phủ và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của thành phố. Trong đó, ngoài các giải pháp về y tế, về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải pháp về thị trường và xuất nhập khẩu, các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp gắn với cơ chế về tài chính tiền tệ có ý nghĩa trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì, ổn định và phục hồi sau khi chịu tác động ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.
Trong quá trình đó, sự phục hồi nhanh chóng của doanh nghiệp, của kinh tế thành phố trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng hoạt động tín dụng nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng. Có thể nói, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 9 tháng đầu năm, với yếu tố chính từ sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố nhờ việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn để tăng trưởng và phát triển. Đánh giá này phản ánh trên 3 phương diện chính sau:
Thứ nhất, tín dụng trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm tăng 12% so với cuối năm 2022 (số liệu dự ước). Trong khi đó, cùng kỳ này năm trước tín dụng tăng 4,97%; năm 2020 tăng 4,99% và năm 2019 tăng 10,2%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm tăng cao gắn liền với tăng trưởng kinh tế thành phố và phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế xã hội thành phố trong 3 năm qua.
Tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trong mối quan hệ đó, tăng trưởng kinh tế thành phố luôn là yếu tố môi trường, động lực thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.
Thứ hai, các ngành, lĩnh vực kinh tế: xuất khẩu, công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng, thương mại, du lịch và dịch vụ; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tiếp tục duy trì phục hồi nhanh; hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN-KCX trên địa bàn hiệu quả… là điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn mở rộng và tăng trưởng tín dụng. Trong đó, dư nợ cho vay ngoại tệ (chủ yếu cho lĩnh vực xuất nhập khẩu, đối tượng đủ điều kiện vay vốn bằng ngoại tệ) đạt 205.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm; cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất ưu đãi đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực, gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa; nông nghiệp và nông thôn; xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm; cho vay KCN-KCX đạt: 224.203 tỷ đồng, tăng 14,67% so với cuối năm; các chương trình tín dụng khác đều đạt tốc độ tăng trưởng khá, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực trên tăng trưởng. Quay ngược lại, sự phục hồi và tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực nêu trên cũng chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong suốt thời gian qua, sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thứ ba, cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương (NHTW) và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế được tổ chức triển khai thực hiện tốt trên địa bàn, trở thành yếu tố môi trường thuận lợi không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng mà còn là động lực để các TCTD trên địa bàn mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Trong đó, các chính sách về cơ cấu lại nợ; về miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp; chính sách tỷ giá và các chương trình tín dụng hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, các ngành lĩnh vực ưu tiên phát triển của NHTW phát huy tác dụng của dòng vốn tín dụng.
Đặc biệt, chính sách cơ cấu lại nợ, gắn với việc cho vay mới với lãi suất thấp để doanh nghiệp vượt qua khó khăn đã phát huy hiệu quả và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao nhờ sự kịp thời, phù hợp và khoa học, phát huy được bản chất và hiệu quả tín dụng: cho vay, sản xuất và tăng trưởng, tạo dòng tiền và trả nợ ngân hàng. Hiện dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn (theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14) trên địa bàn đạt 76.271 tỷ đồng, giảm mạnh, gần 50% so với cuối năm 2021. Đây là diễn biến tích cực, bởi doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ phục hồi sản xuất kinh doanh, có thu nhập, có dòng tiền để trả nợ ngân hàng - sự hỗ trợ rất hiệu quả và thiết thực đối với doanh nghiệp. Đồng thời tác động tích cực trở lại đối với hoạt động tín dụng của các TCTD trên địa bàn, tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Các yếu tố phân tích nêu trên là cơ sở nền tảng để tiếp tục thực hiện và hoàn thành tốt công tác tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 3 tháng cuối năm - mang tính chất thời vụ rất cao do nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh dịp tết cổ truyền âm lịch.
Việc các TCTD cần đặc biệt quan tâm lúc này là thực hiện tốt các giải pháp tín dụng an toàn, hiệu quả vừa đảm bảo thực hiện định hướng tăng trưởng tín dụng và điều hành chính sách tiền tệ của NTHW, vừa chủ động và sáng tạo, phát huy tốt trách nhiệm và vai trò xã hội để đảm bảo hỗ trợ vốn kịp thời cho doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ và du lịch, ưu tiên vốn với lãi suất ưu đãi cho chương trình bình ổn thị trường; cho lĩnh vực ưu tiên và là động lực tăng trưởng kinh tế trên cơ sở tuân thủ nghiêm quy định của NHTW về tín dụng, về lãi suất, về tỷ giá và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị 15, tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp để phục hồi và tăng trưởng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức.