Hiến đất mở rộng hẻm ở TPHCM: Sẻ chia 'tấc' vàng
Ngày 14/7, tại hội nghị tổng kết công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn TPHCM từ năm 2000 đến nay, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, việc người dân chung tay với chính quyền không chỉ giúp thay đổi diện mạo thành phố, cải thiện đời sống nhân dân mà còn toát lên nét đặc trưng văn hóa tốt đẹp của người Sài Gòn - TPHCM.
Dù không gian sinh sống có diện tích chật hẹp nhưng nhiều hộ dân vẫn tự nguyện chia sẻ một phần đất gia đình để con đường trước nhà được thông thoáng hơn. Đơn cử như hộ ông Lê Văn Ngươn (phường 9, quận 3) đã hiến hơn 12m2.
“Chung tay hiến đất đã giúp khu phố sạch đẹp, khang trang hơn. Nhà bị cắt đi một phần đất nhưng từ việc làm này cũng đã giúp tăng giá trị căn nhà. Được góp sức cùng nhà nước mang lại môi trường sống trong sạch, thoáng mát là điều ai cũng vui”, ông Ngươn bày tỏ.
Có nhà nằm trong khu vực được xem là “đất vàng” của TPHCM, ông Võ Thành Minh (ngụ quận Phú Nhuận) cùng người nhà đã hiến 40m2 đất ở để địa phương mở rộng lộ giới, tạo điều kiện nâng cao hạ tầng dân sinh. Sở dĩ ông Minh hiến nhiều đất hơn so với nhiều người trong xóm là bởi nhà đối diện có diện tích quá nhỏ và ông không muốn nơi sinh sống của hàng xóm láng giềng bị thu hẹp hơn khi hiến đất, hay phải chấp nhận di dời.
“Mình may mắn có nhà rộng hơn nên chấp nhận thiệt thòi một chút, giúp anh chị bên kia đỡ phải giải tỏa, di dời. Ban đầu, quyết định hiến đất như vậy, người nhà cũng chưa đồng thuận hết, nhưng dần dần mọi người hiểu được việc làm ý nghĩa này nên đã ủng hộ”, ông Minh bộc bạch.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao bằng khen tuyên dương các tập thể điển hình phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” Ảnh: NGÔ TÙNG
Thấy được việc làm hào hiệp của ông Minh, nhiều hộ dân xung quanh cũng hăng hái chung tay cùng chính quyền quận Phú Nhuận thúc đẩy việc hiến đất mở đường, mở hẻm. Quận này cũng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện phong trào vận động nhân dân hiến đất.
Theo ông Trần Quang Sang, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, tính đến nay, toàn quận đã hoàn thiện 102 dự án, trong đó 6 tuyến đường và 96 tuyến hẻm được mở rộng. Có 3.594 hộ dân đã tham gia hiến gần 20.000m2 đất với giá trị quy đổi ước tính khoảng hơn 1.200 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác cải tạo, nâng cấp hẻm với sự chung tay góp sức của người dân cũng được đẩy mạnh. Người dân đã đóng góp gần 14 tỷ đồng để cải tạo 107 tuyến hẻm, góp phần chỉnh trang mỹ quan đô thị và đảm bảo các yêu cầu về giao thông, vệ sinh, môi trường.
Nhiều khu phố, con hẻm ở TPHCM trở nên khang trang, thông thoáng nhờ người dân chung tay hiến đất. Ảnh: NGÔ TÙNG |
Là cán bộ phụ trách vận động bà con hiến đất xây dựng các công trình nông thôn mới, ông Bùi Văn Đèo (Tổ trưởng tổ nhân dân số 10, ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) ban đầu gặp không ít khó khăn, trở ngại khi vận động bà con. Gương mẫu đi đầu, ông Đèo và gia đình đã hiến 1.350m2 đất phục vụ cho các công trình nông thôn mới trên địa bàn.
“Từ việc tự nguyện hiến đất, tôi nhận được sự tín nhiệm của bà con và thuận tiện hơn trong việc vận động, thuyết phục các hộ dân đồng ý hiến đất, đem lại lợi ích cho cộng đồng”, ông Đèo bộc bạch.
Hài hoà lợi ích
Tại hội nghị tổng kết, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận xét, vận động nhân dân hiến đất mở đường là chủ trương hết sức đúng đắn và thiết thực của thành phố, góp phần nâng cao đời sống người dân cùng với sự phát triển của thành phố. Ông bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao việc bà con đã bỏ qua lợi ích “tấc đất tấc vàng”, tích cực vận động người thân trong gia đình cùng đồng thuận tham gia để góp phần mang lại lợi ích chung cho thành phố.
“Việc kiên trì thực hiện chủ trương này suốt thời gian qua đã mang lại kết quả rất lớn, trong đó đời sống nhân dân được cải thiện, đảm bảo sự an toàn và phát triển, sinh kế được ổn định...”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, việc thực hiện chủ trương này toát lên nét đặc trưng văn hóa tốt đẹp của người Sài Gòn - TPHCM, trở thành nguồn động lực cho sự phát triển của thành phố, đồng thời lan tỏa mô hình, cách làm này đến các địa phương khác. “Vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển của thành phố, người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình. Đây là giá trị điểm nhấn cần trân trọng và phát huy”, ông Mãi nhấn mạnh.
Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã tuyên dương, khen thưởng cho 66 tập thể, 49 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động hiến đất mở rộng hẻm từ năm 2000 đến nay.
Theo bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, sau hơn 20 năm thực hiện, đã có hơn 168.000 hộ dân tham gia hiến khoảng hơn 5,3 triệu m2 đất, tương đương số tiền hơn 10 nghìn tỷ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình. Trong đó: 3.874 công trình mở rộng hẻm, ước tính số tiền khoảng 6.600 tỷ đồng, 1.237 công trình mở rộng đường, ước tính số tiền hơn 3.300 tỷ đồng và 119 công trình khác, ước tính với số tiền hơn 48 tỷ đồng. Ngoài hiến đất, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền hơn 458 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các sở, ban ngành, đơn vị trong quá trình thực hiện cần đảm bảo hài hòa lợi ích cho bà con. Theo đó, thành phố cần có cơ chế tài chính hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là những hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp. “Thành phố coi đây là chi phí chỉnh trang đô thị, chi phí đầu tư để mang lại môi trường có điều kiện sống an toàn cho người dân”, ông Phan Văn Mãi nói và lưu ý, bên cạnh việc vận động hiến đất xây dựng, mở đường, hẻm mới, các địa phương cũng chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy...
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, từng xã phường, quận huyện và thành phố. Thủ Đức rà soát những công trình cần thực hiện đến năm 2025 và bàn bạc, thống nhất, báo cáo để bà con biết và cùng tham gia thực hiện.
“Đến năm 2025, chúng ta cần thực hiện cho được mục tiêu không còn những con hẻm chật hẹp, mất an toàn, không còn những khu dân cư “ổ chuột”, những chung cư cũ mất an toàn. Từng phường xã cần thực hiện tốt nhiệm vụ, qua đó góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Cả hệ thống chính trị thành phố xem đây là công trình thiết thực trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước”, ông Mãi nhấn mạnh.