Gia tăng tỷ lệ cao su chế biến để đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc
Để đẩy mạnh xuất khẩu cao su sang Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chủ động tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,27 triệu tấn, trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 9,3% về lượng, nhưng giảm 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này đạt 1.319 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
10 tháng năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 9,3% về lượng, nhưng giảm 7,1% về trị giá. Ảnh minh họa |
Trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280), chiếm 84,89% về lượng và chiếm 87,5% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su sang thị trường này.
Đứng thứ 2 là chủng loại Latex chiếm 9,7% và SVR 3L chiếm 1,25% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trong 10 tháng năm 2023.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 10 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Trung Quốc đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó giảm mạnh nhất là RSS1 giảm 21,3%, tiếp đến là cao su tổng hợp giảm 19%; Latex giảm 18,7%; SVR CV60 giảm 16,8%; SVR 3L giảm 16,5%; SVR 10 giảm 16,1%...
Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu lưu ý, tại thị trường Trung Quốc, cao su của Việt Nam phải cạnh tranh với cao su của Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà... Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu cao su sang thị trường này, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã…
Cùng với đó, các doanh nghiệp nên chủ động tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu cao su từ nay đến cuối năm được kỳ vọng sẽ cải thiện cả về lượng và giá trị.