Điều chuyển vốn đầu tư công
Trên cơ sở kết quả làm việc với các địa phương của Tổ công tác số 5, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 3780 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Đáng chú ý, với những dự án đến nay có số giải ngân bằng 0, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị rà soát lại và phân bổ cho những dự án còn thiếu vốn.
4 tỉnh Tổ công tác số 5 làm việc lần này là Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương. Theo Bộ Tài chính, hiện còn nhiều dự án đã được giao kế hoạch nhưng vẫn chưa giải ngân. Kế hoạch vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao cho 4 địa phương này là 31,4 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn đã phân bổ chi tiết của 4 địa phương là trên 41,7 nghìn tỷ đồng. Sở dĩ xuất hiện con số tăng thêm so với kế hoạch vốn của Thủ tướng giao là do nhiều địa phương khi cân đối kế hoạch vốn ngân sách địa phương có nguồn thu tăng từ tiền sử dụng đất, nguồn xổ số kiến thiết và nguồn thu khác.
Trong khi đó, các địa phương kể trên đều tồn tại các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân rất thấp dưới 5% kế hoạch vốn năm 2023. Cụ thể, tỉnh Đắk Nông 36 dự án; tỉnh Gia Lai 21 dự án; tỉnh Đồng Nai 9 dự án; tỉnh Bình Dương 21 dự án.
Về tình hình giải ngân của 4 địa phương tính đến ngày 31/3 đạt 2.791 tỷ đồng, tương đương 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước 4 tháng năm 2023 giải ngân được 4,2 nghìn tỷ đồng, cũng chỉ đạt 13,5% kế hoạch Thủ tướng giao.
Đắk Nông là tỉnh giải ngân đạt mức cao nhất trong 4 tỉnh, với tỷ lệ 12,07%. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 3, nhiều dự án vẫn chưa giải ngân, trong đó có dự án nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh, với tổng mức đầu tư 753 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao năm 2023 cho dự án là 130 tỷ đồng nhưng cuối tháng 3 vẫn chưa giải ngân.
Tất nhiên là các địa phương đều đưa ra những lý do để giải thích. Nhưng, theo Bộ Tài chính, nguyên nhân không chỉ như các địa phương đã nêu lên.
"Ngay từ đầu năm, các địa phương (4 tỉnh kể trên) chưa phân bổ hết số kế hoạch vốn năm 2023, phân bổ chưa đảm bảo nguyên tắc tiêu chí bố trí đủ vốn cho các dự án hoàn thành, quyết toán, dự án chuyển tiếp, mới xem xét bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn" - Bộ Tài chính nhìn nhận.
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 5 đã ký công văn số 3781 gửi các địa phương; trong đó đề nghị phải tiến hành rà soát những dự án đã được giao kế hoạch không có khả năng giải ngân, nhất là các dự án đến nay có số giải ngân bằng 0.
Giải ngân vốn đầu tư công là công tác trọng điểm, luôn được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đôn đốc. Tuy nhiên, công việc vẫn không trôi chảy tại nhiều địa phương, bộ ngành. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để thúc tiến độ đầu tư công. Trong đó, chính là việc kiên quyết điều chuyển số vốn không có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân cao, dự án đã quyết toán hoàn thành, đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn.
Một điểm rất quyết liệt nữa chính là việc Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "thanh toán trước, kiểm soát sau" cho từng lần giải ngân, cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì mới chuyển sang hình thức "kiểm soát trước, thanh toán sau", theo quy định tại Nghị định số 99 ngày 11/11/2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Đối với các khoản chi tạm ứng vốn hoặc thực hiện theo hình thức "thanh toán trước, kiểm soát sau" đảm bảo thời hạn kiểm soát, thanh toán tại Kho bạc Nhà nước trong vòng 1 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Đối với các khoản còn lại, thời hạn kiểm soát, thanh toán tại Kho bạc Nhà nước 3 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Phân bổ lại (hay điều chuyển) nguồn vốn từ những dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công; cho phép “thanh toán trước, kiểm soát sau” - những biện pháp này được đánh giá là “liều thuốc” tốt để thúc đẩy tiến độ đầu tư công. Theo y lý phương Đông thì đó là liều thuốc có đủ “công”, đủ “phạt”; có thể hiểu là vừa nâng cao thể trạng vừa tập trung trị bệnh.
Vậy thì thật khó còn lý do gì để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công. Nhân đây xin nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng, ngày 14/5/2022: “Chúng ta có tiền mà không tiêu được thì lãng phí rất lớn”.