Khu công nghiệp hơn 500 tỷ đồng 'bất động' suốt 4 năm
Khu công nghiệp Nam Pleiku, Gia Lai có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua, khu công nghiệp này chưa biết ngày hoạt động.
Ngày 20/4, ông Nguyễn Như Trình - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) tỉnh Gia Lai - cho biết, UBND tỉnh đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục tại Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nam Pleiku - tỉnh Gia Lai.
“Công tác thẩm định chờ các bộ, ngành trả lời, văn bản pháp luật thay đổi nên bị vướng một số thủ tục. Tỉnh cũng đang sốt ruột khi dự án này bị chậm trễ”, ông Trình nói.
Tìm hiểu của Tiền Phong , năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nam Pleiku - tỉnh Gia Lai. Dự án nằm trên diện tích 191 ha, có tổng vốn đầu tư 517 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Dự án trải dài trên địa bàn 2 huyện Chư Sê và Chư Prông.
Sau khi được Trung ương phê duyệt đầu tư, Công ty Cao su Chư Sê đã đưa nhân công, máy móc vào san gạt làm hạ tầng. Tại đây, một mặt bằng rộng lớn đã hình thành. Công trình với 2 làn đường thẳng tắp, dài hàng trăm mét, được chia cắt bởi vòng xuyến xung quanh. Đường thoát nước, đấu nối đường điện và nhiều cây xanh đều được công ty đầu tư.
Khu Công nghiệp này có vị trí rất đẹp khi nằm trên trục quốc lộ 14. Từ đây, dễ dàng di chuyển đi các tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên, Kon Tum, Campuchia, Lào... trên các tuyến quốc lộ 25, 19, 14.
Với lợi thế như vậy, tỉnh Gia Lai kỳ vọng khu công nghiệp này sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng công ty, nhà xưởng. Tuy nhiên, đã hơn 4 năm nay, chưa có một nhà xưởng nào mọc lên ở đây khiến nhiều người qua lại quốc lộ 14 cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối.
Theo ông Nguyễn Như Trình - Trưởng BQL KKT tỉnh Gia Lai, đất của dự án thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Tập đoàn này giao Công ty Cao su Chư Sê làm nhà đầu tư dự án. Công ty có nhiệm vụ kinh doanh cơ sở hạ tầng, gọi mời các doanh nghiệp về đầu tư, ngược lại sẽ thu lại tiền cho thuê đất.
Trả lời về sự chậm trễ của khu công nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thưởng - Phó BQL KKT tỉnh Gia Lai - cho hay: “Công tác thẩm định thiết kế, thẩm định xây dựng chờ bộ này, bộ kia trả lời, trả hồ sơ lên xuống nên có sự chậm trễ”.
Còn theo ông Trình, dự án này còn vướng ở điểm đấu nối đường thoát nước thải xuống hồ Ia Ring (huyện Chư Sê). Chủ đầu tư ngỏ ý “xin” đấu nối đường thoát nước thải vào đường kênh mương thoát lũ của tỉnh xuống hồ. Tuy nhiên, Trung ương chưa cấp vốn để tỉnh làm kênh mương thoát lũ, mà chủ dự án muốn chờ thì… phải rất lâu.
“Bây giờ Tập đoàn Cao su Việt Nam phải nghiên cứu có nguồn vốn đầu tư để làm đường riêng”, ông Trình gợi ý và cho biết "tỉnh rất muốn dự án vào hoạt động sớm. Tuy nhiên, Công ty Cao su Chư Sê trực thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam nên cũng cần sự chỉ đạo, tháo gỡ của cấp trên họ”.