Đà Nẵng: Bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường dịp Tết Giáp Thìn 2024
UBND TP Đà Nẵng có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các cơ quan hữu quan tăng cường công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Xử nghiêm việc lợi dụng tăng giá điện để tạo hiệu ứng tăng giá các mặt hàng
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tháng 11 giảm 0,05% so tháng trước, nguyên nhân chính là do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 3 đợt trong tháng. Tuy nhiên một số hàng hóa và dịch vụ có CPI tăng so như hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,27%); hàng hóa và dịch vụ khác (+0,25%); may mặc, mũ nón, giày dép (+0,22%); giao thông (+0,16%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,12%); văn hóa, giải trí và du lịch (+0,08%); thuốc và dịch vụ y tế (+0,01%).
UBND TP Đà Nẵng yêu cầu bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Đáng chú ý, Cục Thống kê Đà Nẵng lưu ý, ngày 8/11/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định 1416/QĐ-EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Đây là lần thứ 2 trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng (lần thứ nhất vào ngày 4/5).
“Các cơ quan chức năng cần tăng cường các chính sách bình ổn giá đồng bộ, cần yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá thành sản xuất kinh doanh những mặt hàng Nhà nước định giá. Đồng thời cần xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá điện để tạo hiệu ứng tăng giá các mặt hàng một cách thiếu kiểm soát, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu”, Cục Thống kê Đà Nẵng khuyến cáo.
Tăng cường quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023 và Tết
Nhằm tăng cường quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản 6254/UBND-STC giao Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến cung cầu, có giải pháp điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường, nhất là với mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống).
Chủ động làm việc với các doanh nghiệp phân phối, cung ứng hàng hoá thiết yếu để năm bắt nhu cầu, khả năng cung ứng của các doanh nghiệp tham gia phương án bình ổn, đặc biệt là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới.
Sở GTVT được yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, tăng cường hướng dẫn, rà soát kê khai giá của các đơn vị vận tải để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá, bảo đảm lợi ích cho người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải theo quy định.
Cùng với đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Cục Quản lý thị trường TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chấp hành pháp luật về giá, kê khai giá và bán theo giá niêm yết các loại hàng hóa dịch vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, thu lợi bất chính, nhât là mặt hàng lương thực, thực phẩm; các trường hợp lợi dụng biến động thị trường để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Công an TP có trách nhiệm tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Tiếp tục phối hợp với Sở Công thương và Cục QLTT theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ các dịp lễ, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để cung ứng đầy đủ cho nhân dân. Phối hợp với Sở GTVT kiếm tra, rà soát doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024 phù hợp với biến động của yếu tố đầu vào.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục chỉ đạo triển khai, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.