Đa dạng chuỗi cung ứng và thị trường để tăng trưởng xuất khẩu
Để phát huy vai trò của động lực tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa, Việt Nam cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản phẩm và thị trường xuất khẩu.
Tháng 10/2023, xuất nhập khẩu hàng hoá tăng 5,6%
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10/2023 ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 7,1%; nhập khẩu giảm 12,3%.
Cụ thể, về xuất khẩu, trong tháng 10/2023 ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, tăng 5,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,82 tỷ USD, tăng 5,2%.
So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2023 tăng 5,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 3%.
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 77,09 tỷ USD, giảm 4,1%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 214,19 tỷ USD, giảm 8,1%, chiếm 73,5%.
Trong 10 tháng năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 257,42 tỷ USD, chiếm 88,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 22,97 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 7,45 tỷ USD, chiếm 2,6%.
Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,36 tỷ USD, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,95 tỷ USD, tăng 2,4%.
So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2023 tăng 5,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5%.
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 95,08 tỷ USD, giảm 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 171,59 tỷ USD, giảm 13,3%.
Trong 10 tháng năm 2023 có 41 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 250,12 tỷ USD, chiếm 93,8%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,5%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,3%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 16,55 tỷ USD, chiếm 6,2%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 78,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,8 tỷ USD.
Trong 10 tháng năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 67,1 tỷ USD giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 23,7 tỷ USD, giảm 12,4%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 317 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 40,5 tỷ USD, giảm 23,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 23,4 tỷ USD, giảm 27,6%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỷ USD, giảm 38,2%.
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 10/2023 ước tính xuất siêu 3 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,6 tỷ USD.
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường để tăng trưởng xuất khẩu
Theo thông tin từ báo Công thương, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.
Theo Quy hoạch đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và qua Trung Quốc sang nước thứ ba theo hướng chính quy, hiệu quả, bền vững. Từ đó góp phần thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc nói chung và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nói riêng.
Về phía Bộ Công Thương, trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương đang nỗ lực đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.
Chia sẻ góc nhìn với Tạp chí Tài chính, TS. Bùi Duy Tùng - Giảng viên kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT cho biết, để tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm 2023, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu là yếu tố cần được quan tâm.
Xu hướng sắp xếp lại chuỗi cung ứng ngày càng gần gũi hơn với thị trường tiêu dùng đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới. Các hiệp định này đóng vai trò là cơ chế công cụ để giảm bớt rào cản thương mại và khai thác các thị trường mới, từ đó phù hợp với động lực toàn cầu về đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Số liệu cho thấy sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây và rau quả, cũng như trong các lĩnh vực có giá trị cao như điện tử và dệt may. Đồng thời, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với những động lực này, Việt Nam cần tăng cường nỗ lực mở rộng quy mô các lĩnh vực này thông qua đầu tư, đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu và các ưu đãi dành riêng cho ngành.
Dự báo về về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024, TS. Bùi Duy Tùng nhận định, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực, mặc dù có một số thách thức nhất định cần được quan tâm.
HSBC và VinaCapital, dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam vào khoảng 6,3% đến 6,5% vào năm 2024, chủ yếu nhờ xuất khẩu phục hồi và sản lượng sản xuất tăng. Trong đó, sự phục hồi ở cả xuất khẩu và chi tiêu trong nước là hai động lực chính cho sự tăng trưởng này. Việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hoa Kỳ, hiện chỉ chiếm chưa đến 3% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Điều này có thể đặc biệt mang lại lợi ích cho các lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường hơn nữa năng lực xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, nhiều thách thức vẫn tồn tại. Số liệu xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, các nước ASEAN đang chững lại do nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu toàn cầu giảm đối với hàng hóa "Made in Vietnam". Hơn nữa, độ mở kinh tế cao của Việt Nam khiến chúng ta dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường toàn cầu. Nếu các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc phục hồi kém hơn dự kiến, điều đó có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.