Chặn đà lao dốc xuất khẩu đồ gỗ
Là ngành đóng vai trò xuất khẩu hàng đầu trong nhóm nông nghiệp, giữ vị trí trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, nhưng ngành gỗ đang đối diện nhiều khó khăn.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,9 tỷ USD, giảm tới hơn 30% so với cùng kỳ. Nhiều kiến nghị đã được các doanh nghiệp gửi đến Bộ Công Thương để tìm giải pháp giúp ngành gỗ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 3,5% trong năm nay.
Theo các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành chế biến gỗ và lâm sản, đơn hàng xuất khẩu của tháng 5 đã có tín hiệu khả quan khi các khách hàng từ thị trường truyền thống tăng đặt hàng khoảng 5% so với tháng trước. Các doanh nghiệp vẫn đang tích cực đàm phán với khách hàng để có thêm nhiều đơn hàng.
Đơn hàng tăng nhẹ, tuy nhiên công suất các nhà xưởng hiện mới chỉ đạt 40 - 50%. Chủ động cắt giảm chi phí, tìm đơn hàng từ thị trường ngách, đổi mới sản phẩm, nhưng doanh nghiệp nhận định tình hình vẫn rất khó khăn.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,9 tỷ USD, giảm tới hơn 30% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Mình phải quan tâm đến thị trường Arab, Trung Đông, Hoa Kỳ. Trong nước, chúng tôi cố gắng đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên tình hình sụt giảm rất nhiều", ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Điều hành nội ngoại thất Furnist, chia sẻ.
Đối diện các diễn biến bất lợi của thị trường, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa đề xuất với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường quảng bá, kịp thời cập nhật thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại.
"Tổ chức các cuộc họp trực tuyến giữa hệ thống tham tán thương mại nước ngoài với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp lớn để kết nối với các nhãn hàng lớn; đồng thời cảnh báo rủi ro khi các nhà mua hàng có thể phá sản. Trước đây, việc này được Bộ Công Thương thực hiện khá tốt nhưng thời điểm này, đơn hàng ít, do vậy tần suất nên nhiều hơn để tìm kiếm đơn hàng", ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị thay đổi mức hỗ trợ trong chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế.
Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng nhanh chóng được hoàn thuế giá trị gia tăng, sớm được tiếp sức từ gói tín dụng 10.000 tỷ đồng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu triển khai, cho doanh nghiệp vay mới để tiếp tục sản xuất, kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn.