Bất động sản nghỉ dưỡng nỗ lực lấy đà phục hồi
Những dự án giao thông cả ở khu vực phía Bắc và phía Nam đang được đẩy mạnh triển khai và tạo đà phục hồi cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Đà phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
Theo Kinh tế & Đô thị, bước sang năm 2024 với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, trong việc tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án đầu tư công, đặc biệt là những dự án về hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm như: Sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc Nam, các tuyến đường vành đai tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cao tốc các tỉnh phía Nam kết nối trục ngang Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 (TP Hồ Chí Minh)... tạo động lực chung cho toàn nền kinh tế.
Phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng cũng đang được hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công đối với dự án hạ tầng giao thông, giúp cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng hơn. Những điểm đến quen thuộc như: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Phú Quốc... khi chính quyền địa phương đang chú trọng vào những dự án hạ tầng giao thông, thì nhà đầu tư cũng tích cực hoạch định lại chiến lược để tái khởi động những dự án đã được cấp phép trước đây.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng tập trung vào việc xây dựng các gói sản phẩm mới, ưu tiên hoạt động lưu trú – nghỉ dưỡng, kết hợp chăm sóc sức khỏe (wellness) hay du lịch trị liệu (medical tourism) để đáp ứng nhu cầu và thu hút thêm lượng khách trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt, tại đô thị lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) các chủ đầu tư còn đang tập trung vào những sản phẩm hạng sang để phục vụ nhóm khách công vụ kết hợp nghỉ dưỡng và phân khúc khách sạn trung cao cấp (midscale – upper midscale hotel) cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt ở địa điểm gần khu công nghiệp.
“Việc Chính phủ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung cho những công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn cả nước, đang tạo ra động lực tích cực thúc đẩy sự phục hồi của thị trường BĐS nói chung và phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng nói riêng. Bởi BĐS luôn gắn liền với hạ tầng, chỉ nhưng nơi có hạ tầng tốt thì mới thu hút nhà đầu tư”, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam TS Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.
Cũng theo đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam, từ cuối quý IV/2023, phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã ghi nhận có sự nhộn nhịp trở lại bởi những dự án quy mô lớn, được chủ đầu tư chạy rumor (dự kiến) hay các chương trình kick off... mà trong suốt thời gian dài, từ khi xảy ra dịch Covid-19 không được triển khai.
Tuy nhiên, về cơ bản đến thời điểm này phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng vẫn đang tạo đà phục hồi, thị trường đi ngang, một số dự án mới có giá chào bán cụ thể như: Dự án The Ocean Villas Quy Nhơn giá bán biệt thự, liền kề dao động khoảng 33,33-44,58 triệu đồng/m²; Dự án Green Center - Làng sinh thái golf Tây Sài Gòn giá bán biệt thự, liền kề dao động khoảng 32,5 - 44,67 triệu đồng/m²...
Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia, quan trọng hơn cả là thị trường BĐS đã được “cởi trói” sau khu những dự án luật sửa đổi, bổ sung (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai) được Quốc hội thông qua. Đáng chú ý, ngay sau khi các dự án luật được thông qua, trong thời gian chờ đợi chính thức có hiệu lực thi hành, ngay từ đầu năm 2024 các bộ, ngành liên quan đã có nhiều văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
Cụ thể, đối với phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng, Bộ TN&MT có công văn gửi các địa phương đề nghị rà soát, cấp sổ đỏ cho condotel, officetel... theo đúng quy định. Bởi có số lượng lớn căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú, thương mại dịch vụ (officetel)… chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân mà còn tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi, tăng trưởng trở lại của thị trường BĐS.
Bất động sản nghỉ dưỡng không có nguồn cung mới đầu năm
Theo Vnexpress, trong báo cáo gần đây của DKRA Group, cả ba phân khúc gồm codotel, biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và vùng phụ cận không ghi nhận nguồn cung mới mở bán trong hai tháng gần đây.
Trong đó, riêng phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng thậm chí đã không có sản phẩm mở bán mới trong hơn một năm qua. Nhiều dự án mới tại đây liên tục dời thời gian bán hàng, trong khi đó dự án sơ cấp gần như đóng giỏ hàng, không phát sinh giao dịch.
Tương tự, nhiều chủ đầu tư codotel cũng trì hoãn thời gian bán hàng. Thời gian qua, loạt dự án codotel cũng đã phải xin chuyển đổi mục đích thành căn hộ chung cư. Theo thống kê của DKRA trên toàn quốc, 2 tháng qua cũng chỉ một dự án nghỉ dưỡng mở bán 14 căn hộ nhưng thuộc giai đoạn tiếp theo.
DKRA dự báo tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục kéo dài khi chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn. Dù ngành du lịch đã khởi sắc, việc nhiều dự án vướng vi phạm, thi công chậm tiến độ cùng với pháp lý chưa rõ ràng đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Hiện tại, các thủ phủ du lịch miền duyên hải cả nước tồn kho hàng chục nghìn căn shophouse, nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gần như rơi vào trạng thái ngủ đông từ đầu năm 2023. Cả năm ngoái, DKRA ước tính lượng tiêu thụ chỉ tương đương 10% so với năm trước đó và cũng là mức thấp nhất từ năm 2014. Nhiều chủ đầu tư tung loạt chính sách kích cầu như chiết khấu thanh toán sớm, hỗ trợ lãi suất, cam kết thuê lại nhưng không hiệu quả.
Còn theo Savills Hotels, đến quý IV/2023, hơn 83.000 sản phẩm biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng thuộc phân khúc trung, cao cấp đã mở bán trên thị trường. Trong đó, khoảng 17% đã mở bán nhưng đang dừng triển khai.
Với sản phẩm shophouse nghỉ dưỡng, hơn 14.600 sản phẩm đã được mở bán tại các điểm đến ven biển. Tuy nhiên, 60% trong số này chưa được đưa vận hành, khai thác kinh doanh vì chủ sở hữu vẫn loay hoay chưa biết nên làm gì sau khi nhận bàn giao.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cũng cảnh báo một số thị trường ven biển tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ dư thừa nguồn cung sản phẩm nghỉ dưỡng bởi phát triển nóng nhiều năm qua.