“Bất động sản từ năm nay càng đi càng sáng…”
Đó là nhận định của ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Group, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) trong buổi chia sẻ mới đây.
Ông kì vọng thế nào vào thị trường bất động sản năm 2024 khi ngay đầu năm đã có những tín hiệu tích cực?
Năm 2023 tôi từng ví thị trường bất động sản giống như “mèo tam thể”, điểm xám nhiều hơn điểm sáng thì 2024 là một năm tích cực và lạc quan hơn. Bất động sản càng đi càng sáng, giống như đi từ vùng mờ sáng ra sáng dần.
Nếu năm 2023 bức tranh thị trường bất động sản bị phân tán, khó đoán định và khó lường thì năm nay bức tranh ngày càng rõ ràng hơn. Tôi nghĩ từ quý 2/2024 trở đi, tín hiệu thị trường bất động sản sẽ tích cực.
Dẫu vậy, thị trường địa ốc 2024 vẫn nằm trong quỹ đạo thận trọng, khó diễn ra trạng thái bùng nổ như thời điểm trước. Bởi vì tình hình biến động thế giới vẫn còn là một ẩn số về thời gian.
Dựa vào đâu mà ông tự tin rằng bất động sản năm 2024 càng đi càng sáng?
Đến hiện tại, sự sàng lọc của thị trường đã rõ ràng. Thị trường mất khoảng thời gian đủ dài để sàng lọc đối với tất cả các bên tham gia thị trường: chủ đầu tư, nhà phát triển dự án, khách hàng mua để ở, cũng như nhà đầu tư,…
Thứ hai, năm 2024 đã phần nào định hình rõ về cơ chế chính sách cho thị trường bất động sản. Các bên đã thấy rõ hơn về định hướng trong tương lai nên họ yên tâm hơn.
Thứ ba, sau khoảng thời gian chờ đợi, nghe ngóng và quan sát tìm hiểu, người mua đã có dữ liệu nhất định về bất động sản để đưa ra quyết định.
Ngoài ra, chính sách tài chính vay mua bất động sản với lãi suất hấp dẫn đang là động lực thu hút nhiều bên tham gia thị trường.
Vậy theo ông, giữa nhịp tín hiệu lạc quan của thị trường, doanh nghiệp địa ốc phải làm gì để “vượt đà dốc” đi lên trong giai đoạn này?
Trước đây, thị trường bất động sản hoạt động nhưng chưa thiết lập được cách vận hành chuyên nghiệp. Đến hiện tại, thị trường đã có sự thay đổi theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và bền vững hơn. Yếu tố này thể hiện rõ ở khía cạnh quyết liệt điều chỉnh Luật của các cơ quan Nhà nước. Việc thay đổi, bổ sung nhiều nội dung mới sẽ là nền tảng quan trọng để ngành bất động sản phát triển hơn trong tương lai.
Bản thân doanh nghiệp nói chung, DKRA Group nói riêng, để có năng lực vận hành phù hợp trong bối cảnh mới thì không thể làm theo cách cũ được nữa. Đồng nghĩa rằng, DKRA Group phải chủ động đổi mới toàn diện, trang bị cho mình các dạng năng lực để thích ứng nhanh chóng với xu thế phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn sắp tới.
Cụ thể, năm 2023 là năm mang tính chất quyết định rất nhiều đến sự phát triển của toàn Tập đoàn. Chúng tôi tái cấu trúc toàn bộ mô hình kinh doanh, chia tách rõ các mảng dịch vụ chiến lược phát triển. Bộ chiến lược này dự kiến sẽ được hoàn tất vào tháng 6/2024.
Trong đó, DKRA Group phát triển 3 mảng dịch vụ bất động sản, bao gồm: DKRA Consulting - Nghiên cứu & Tư vấn phát triển; DKRA Realty - Tiếp thị & Phân phối; DKRA Living - Quản lý & Vận hành. Các mảng dịch vụ chiến lược này sẽ tạo nên sức bật mạnh mẽ cho Tập đoàn trong giai đoạn tới.
Tất cả các mảng dịch vụ đều được đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu cần thiết của thị trường. Chẳng hạn, mảng dịch vụ DKRA Consulting - Nghiên cứu & Tư vấn phát triển trước đây chỉ dừng lại ở một nhóm dịch vụ thì hiện nay chúng tôi mở rộng và đa dạng hơn. Trong tương lai, đây sẽ là mảng then chốt và chủ lực của DKRA Group. Công ty sẽ cung cấp giải pháp trọn gói cho chủ đầu tư với các nhóm dịch vụ: nghiên cứu thị trường, định hướng ý tưởng phát triển mô hình của dự án, tính toán hiệu quả đầu tư, dịch vụ tư vấn thủ tục pháp lý, tài chính bất động sản, đến các giải pháp liên quan tới chương trình bán hàng. Đồng thời các mảng dịch vụ khác công ty cũng sẽ mở rộng, đổi mới loại hình và phương pháp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong tương lai với mục tiêu tối ưu hóa chi phí, mang đến hiệu quả cao cho các chủ đầu tư.
Theo tôi, trải qua thời gian thị trường biến động và nhiều thách thức, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản cần vạch rõ mục tiêu phát triển lâu dài. Đây là giai đoạn để các doanh nghiệp “lấy đà” bắt nhịp đi lên nhưng ở trạng thái thận trọng, ưu tiên tính bền vững.
Không thể phủ nhận, thời gian qua không ít doanh nghiệp bất động sản trải qua thời kì vô cùng khắc nghiệt. Bản thân DKRA Group cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn chung đó. Trong thời gian tới, công ty có thể tiếp tục phải điều chỉnh về mọi mặt để sát với thực tiễn thị trường.
Tuy vậy, đối với DKRA Group, chúng tôi nhìn thấy trong khó khăn vẫn có cơ hội. Mặc dù thị trường còn thử thách nhưng tin rằng, chỉ cần có giải pháp đúng đắn, DKRA Group sẽ thuận lợi chuyển hóa tất cả thành cơ hội khi thị trường bước vào nhịp phục hồi.
Liệu niềm tin của người mua đã thực sự hồi phục để doanh nghiệp đủ tự tin “thực chiến” với thị trường?
Phải hiểu rằng, từ trước đến nay niềm tin của người mua nhà không mất đi mà chỉ là không biết đặt vào đâu cho đúng chỗ. Thời gian qua, người mua dành nhiều thời gian quan sát, tìm hiểu chứ không phải mất niềm tin hoàn toàn vào thị trường.
Sau giai đoạn sàng lọc và nghiên cứu kỹ càng sản phẩm, pháp lý dự án, năng lực chủ đầu tư, cơ chế bán hàng… khách hàng đã có thể làm phép so sánh và đưa ra quyết định.
Vừa qua, có khá nhiều dự án bất động sản đảm bảo được các tiêu chí như sản phẩm tốt, chính sách bán hàng hấp dẫn, chủ đầu tư uy tín… vẫn có thanh khoản. Thực tế, niềm tin của người mua có tính chất cộng hưởng và hiệu ứng lan tỏa. Khi dự án đảm bảo được các yếu tố có lợi cho người mua thì sức cầu sẽ tăng lên. Bản thân doanh nghiệp địa ốc phải nỗ lực tạo lập giá trị để người mua đặt niềm tin vào.
Thế nhưng sức cầu nhìn chung vẫn chậm nhịp trong khi có quá nhiều lợi thế cho bất động sản ở giai đoạn này, tại sao thưa ông?
Trong thị trường bất động sản có nhiều đối tượng khách hàng tham gia. Tầng nấc, quan điểm của họ về thị trường, phân khúc cũng khác nhau. Theo quan sát của tôi, các bất động sản có pháp lý chuẩn trên thị trường thứ cấp, giá tốt người mua vẫn sẵn sàng xuống tiền.
Tâm lý tham gia thị trường của các nhà đầu tư cũng khác nhau. Nhà đầu tư “cá mập” nếu đúng khẩu vị, tài chính tốt họ mua ngay. Có nhóm đầu tư dù tài chính sẵn có nhưng bất động sản đó chưa hợp “khẩu vị” thì vẫn không xuống tiền. Hay với người mua ở thực, có tài chính và bất động sản đảm bảo được môi trường sống tốt là mua; nhưng có nhóm dù có nhu cầu cao nhưng tài chính chưa đủ vẫn tiếp tục chờ đợi chính sách, ưu đãi…
Theo ông, cơ hội thị trường đang nghiêng rõ nhất về phân khúc hay khu vực nào?
Những năm qua, khu Đông Tp.HCM (bao gồm Tp.Thủ Đức, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) vẫn là khu vực trọng yếu cả về nguồn cung lẫn lực cầu. Năm nay, cán cân thị trường có phần nghiêng về khu Tây Tp.HCM (bao gồm Long An). Sắp tới đây sẽ có khá nhiều dự án bất động sản tham gia vào thị trường Long An. Như vậy, bất động sản khu Đông Tp.HCM sẽ tiếp tục duy trì và bùng nổ, còn khu Tây Tp.HCM sẽ là một điểm sáng mới trên thị trường địa ốc từ năm 2024 trở đi.
Về phân khúc, đất nền và nhà gắn liền với đất vẫn là sản phẩm tích trữ tài sản lâu dài được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, nguồn cung đang ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu và giá trị của phân khúc này không ngừng gia tăng.
Cùng với đó căn hộ giá vừa túi tiền 2-3 tỉ đồng/căn có cơ hội lớn trong thời gian tới. Loại hình này đáp ứng được nhu cầu ở thực (ở, cho thuê) và dễ tiếp cận của nhiều nhóm khách hàng khác nhau.
Hiện nay, người mua ở thực vẫn chiếm tỉ trọng cao trong các giao dịch. Cán cân thị trường về cuối năm có thể điều chỉnh do nhà đầu tư quay trở lại. Khi thị trường sôi động sẽ có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia.
Nhìn chung, cơ hội thị trường bất động sản từ năm 2024 khá rõ nét. Đầu năm, nhiều công ty rộn ràng triển khai bán hàng, giới thiệu dự án. Trong đó một số dự án có lượng booking, đặt cọc khá tốt.
Tuy nhiên, bản chất thị trường bất động sản năm nay vẫn là thận trọng, chưa bùng nổ.
Xin cảm ơn chia sẻ từ ông!