Mua cốc trà The Coffee House, Aha trên MoMo phí ship chỉ 5.000 đồng, kỳ lân Việt toan tính gì khi bước vào mảng của GrabFood, Baemin?
Đặt một cốc trà đào - cam - sả Aha trên MoMo, chị Linh (Vũ Trọng Phụng, Hà Nội) chỉ phải thanh toán thêm 5.000 đồng phí ship cho quãng đường ước tính 1,66 km. Hiện đặt đồ trên app Grabfood và Baemin tại một quán cách dưới 3km, khách hàng đều phải trả phí ship ít nhất ở mức 18.000 đồng, bao gồm 16.000 đồng phí ship, 2.000 đồng phí nền tảng, với điều kiện thời tiết tốt và đơn hàng không nhỏ hơn 50.000 đồng.
Danh mục mini App trong lĩnh vực F&B của MoMo đã có tên các chuỗi đình đám như Pizza 4P's, Highlands Coffee, The Coffee House, Aha Cafe.
Khi chọn đồ uống giao hàng tận nơi của Aha Cafe hoặc The Coffee House trên MoMo, app sẽ điều hướng đến store gần nhất và tính phí ship dựa trên khoảng cách từ store đến điểm giao hàng.
Với Aha, khoảng cách dưới 1km sẽ được freeship, trên 1km sẽ tính phí ship 5.000 đồng. Với The Coffee House, đơn hàng nhỏ (dưới 50.000 đồng) sẽ tính phí ship 10.000 đồng, đơn hàng trên 50.000 đồng sẽ được freeship.
Mức phí này cực cạnh tranh nếu đem so với Baemin và Grabfood. Với 2 ứng dụng Food Delivery đang thống trị tại thị trường Việt Nam này, một đơn hàng Food đang gánh những phí sau:
- Phí ship cơ bản (cả GrabFood và Baemin đang áp mức phí 16.000 đồng cho quãng đường dưới 3km tính theo Google Maps)
- Phí dịch vụ (2.000 đồng với quán đăng ký là đối tác, mức phí này tăng lên 6.000 – 8.000 đồng nếu quán không phải đối tác)
- Phí đơn hàng nhỏ (khoảng 3.000 đồng)
- Phí gửi xe (nếu có, áp dụng trên Baemin)
- Phí "nắng nóng" (mới được Grab bổ sung, chỉ áp dụng ở một số thành phố nhất định và trong điều kiện thời tiết nhất định)
Phí giao hàng cơ bản của Baemin. Ảnh chụp màn hình từ website chính thức của Baemin.
Quay trở lại với mô hình mini App của MoMo, đơn vị này cho biết công nghệ mini App hoạt động theo cơ chế app-in-app, tương tự như mô hình store-in-store (tức các cửa hàng bên trong một cửa hàng lớn) nhằm tận dụng được lượng khách hàng lớn hơn.
"Trong tầm nhìn 3 năm tới, MoMo đề ra mục tiêu sẽ phát triển 2.000 mini App cho các đối tác", bà Nguyễn Linh Trang - Giám đốc Trung tâm Thanh toán và Dịch vụ hằng ngày MoMo – cho biết.
MoMo tính cạnh tranh thế nào với GrabFood, Baemin?
Ảnh minh họa. Nguồn: Lao động.
Bà Trang nhận định: Trong xu hướng phát triển F&B, hầu hết mọi người đang nhìn mảng giao thức ăn trực tuyến (Food Delivery) như một "cửa ra", một điểm chạm mới giúp tăng trưởng doanh thu duy nhất, trước sự bùng nổ của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến hiện nay. Tuy nhiên, bà cho rằng lĩnh vực F&B không chỉ dừng lại ở câu chuyện Food Delivery.
"Sắp tới thị trường còn cần giải quyết "pain-point" (nỗi đau thị trường – PV) rất lớn về tối ưu nhân sự và chi phí vận hành, mang lại hiệu quả lợi nhuận cuối cùng trên từng doanh thu tạo ra".
Ở Trung Quốc, Mini App F&B chỉ thực sự bùng nổ thông qua câu chuyện Table Ordering, chứ không phải Food Delivery
"Đặc thù của lĩnh vực F&B là có những thời điểm cao điểm trong một khoảng thời gian rất ngắn. Ví dụ: Cửa hàng KFC rất đông khách từ 12 giờ đến 14 giờ hằng ngày. Như vậy, việc sắp xếp nhân sự trong khoảng thời gian ngắn nói trên cực kỳ khó khăn. Một trong những giải pháp MoMo đang thúc đẩy là Table Ordering (đặt món tại bàn) và Pickup Ordering (đặt món mang về)", bà Trang nói thêm.
Nhìn sang thị trường láng giềng Trung Quốc, bà Trang cho biết mini App chỉ thực sự bùng nổ thông qua câu chuyện Table Ordering (đặt món tại bàn). Giữa thời buổi khó khăn, nhà kinh doanh cần tối ưu chi phí, nguồn lực thì Table Ordering trở thành phương án hữu hiệu, khả quan. Đồng thời, giải quyết câu chuyện vận hành tại thời điểm cao điểm.
"MoMo đang làm sản phẩm Pickup Ordering với chuỗi Highlands Coffee. Chỉ cần một nút bấm là khách hàng có thể order ngay ly cà phê, ghé cửa hàng để lấy ngay mà không cần xếp hàng chờ đợi; từ đó dễ dàng tạo thói quen order, mua sắm định kỳ. Trong tháng đầu tiên ra mắt, giải pháp này mang lại hiệu quả doanh số đáng kể cho Highlands Coffee, cao gấp nhiều lần so với trải nghiệm trên các nền tảng khác mà Highlands Coffee cùng lúc triển khai", bà Trang cho biết.
Về dịch vụ Food Delivery, MoMo hợp tác với hệ thống The Coffee House để thử nghiệm trong khoảng 1 năm trở lại đây. Kết quả: Tăng trưởng từ mini App trên MoMo đóng góp hơn 50% vào sự phát triển của mảng giao nhận ngay trên ứng dụng của The Coffee House.
Với các đơn Food Delivery, MoMo không vận chuyển mà chính các store sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển đơn hàng đó. Ở phía người dùng, phí ship sẽ free hoặc ở mức rất thấp. Ở phía đơn vị F&B, điều này đồng nghĩa với việc các cửa hàng vẫn tận tay chăm sóc khách hàng trong từng công đoạn, bao gồm cả giao vận, nhưng sẽ phải đối mặt với thách thức cân đối nhân sự đảm nhận công đoạn vận chuyển khi các đơn hàng đặt qua mini App tăng cao.
"Ở một số ứng dụng hiện nay, người dùng có xu hướng "intend to buy", tức là muốn mua hàng rồi mới sử dụng ứng dụng. Còn khi sử dụng MoMo, vì người dùng MoMo thanh toán, chuyển/nhận tiền mỗi ngày nên khi đó họ được gợi ý về nhu cầu vào đúng thời điểm. Khi có nhu cầu rồi thì việc chuyển đổi, phát sinh giao dịch diễn ra một cách hoàn hảo, tránh tình trạng "rớt" đơn hàng ở những bước cuối cùng. Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa MoMo với các nền tảng khác", đại diện MoMo cho biết.
Mini App – Cuộc chơi "Move fast, Fail fast" hay đầu tư nghiêm túc của MoMo?
Bà Nguyễn Linh Trang - Giám đốc Trung tâm Thanh toán và Dịch vụ hằng ngày MoMo.
"Sau những thành tựu, cột mốc trong đã đạt được, Ban lãnh đạo MoMo ngồi lại để nghĩ câu chuyện sắp tới là gì", bà Trang nhớ lại.
"Trên thực tế, mỗi lần ra sản phẩm mới nào đó mất rất nhiều thời gian và tâm huyết của anh em. Bây giờ với nền tảng MoMo đã có nhiều người dùng, nôm na là chợ đã đông rồi, định hướng MoMo là trở thành siêu ứng dụng, dựa trên sự hợp tác với đối tác mà trong đó Mini App là nền tảng duy nhất giúp cho sự kết nối đó phát triển và thành công hơn. Đó là lý do từ năm 2022 này, nền tảng mini App chính thức được tung ra và có thể tự hào để giới thiệu với mọi người".
Dẫn ví dụ từ Trung Quốc, bà Trang cho biết đó là quốc gia điển hình với sự dẫn đầu của WeChat Pay và AliPay đã minh chứng cho xu hướng phát triển của Mini App. Đến hiện tại, tổng số lượng Mini App của quốc gia này đã nhiều hơn rất nhiều số với tổng số lượng app đơn lẻ trên các nền tảng Android hay iOS.
"Tại Trung Quốc, người ta không còn phát triển quá nhiều app đơn lẻ nữa mà thay vào đó mini App trở thành xu hướng, nền tảng mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn phát triển. Bởi thực tế để làm app đơn lẻ, doanh nghiệp phải tự thu hút người dùng, tự đổ tiền tiếp thị và rất khó để tăng trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, MoMo tiếp tục đi theo xu hướng này với tầm nhìn trong 3 năm", bà Trang nói.
3 năm tới, MoMo nhắm phát triển 2.000 mini App cho các đối tác.
MoMo có thực sự đầu tư nghiêm túc mini App? Trả lời câu hỏi này, phía MoMo cho biết đây là tâm huyết thực sự của "các anh em MoMo".
"Trong vòng gọi vốn thành công gần nhất và chính thức trở thành kỳ lân công nghệ của Việt Nam, lý do lớn nhất thuyết phục các nhà đầu tư của MoMo là bởi MoMo mong muốn dùng nguồn lực này để đầu tư công nghệ giúp doanh nghiệp trong nước, từ doanh nghiệp lớn đến SMEs tận dụng hệ sinh thái MoMo phát triển kinh doanh tốt hơn".
"Đồng thời, sứ mệnh của MoMo là dùng công nghệ giúp cuộc sống người dân tốt đẹp hơn thông qua việc mang đến trải nghiệm tiện lợi, đơn giản hóa và giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính", Giám đốc Trung tâm Thanh toán và Dịch vụ hằng ngày MoMo khẳng định.