"Thế kẹt" của Thành Công Group ở Eximbank
Động thái chấp thuận bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch Eximbank của nhóm Thành Công - Âu Lạc ít nhiều mang tới những kỳ vọng về tầm nhìn chung giữa các nhóm cổ đông.
Chiều 17/2, HĐQT Eximbank đã công bố nghị quyết về việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.
Theo Eximbank, để đi đến quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng này, HĐQT đã tổ chức họp theo đúng quy định. Bà Lương Thị Cẩm Tú nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của toàn thể thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 với 7/7 phiếu bầu.
Sau 11 lần bất thành từ năm 2019 đến nay, Eximbank cuối cùng đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông vào ngày 15/12, bầu ra HĐQT và BKS khóa mới, trong đó bà Cẩm Tú là thành viên nhiệm kỳ cũ duy nhất.
Cụ thể, HĐQT 7 người gồm ông Võ Quang Hiển, ông Nguyễn Hiếu, bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Đỗ Hà Phương và ông Nguyễn Thanh Hùng.
Trong số đó, có thể chia ra 3 nhóm rõ ràng, là nhóm có liên hệ với Hoàn Cầu Group - Bamboo Capital (BCG) gồm bà Cẩm Tú, bà Đỗ Hà Phương và ông Nguyễn Thanh Hùng, nhóm đối nghịch đại diện cho Thành Công Group và nhóm Âu Lạc Corp là ông Nguyễn Hiếu, bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại.
Nhóm thứ 3, mang tính trung lập hơn, đại diện cho cổ đông ngoại SMBC là ông Võ Quang Hiển. Dù vậy, lưu ý là trong 2 năm trở lại, tập đoàn Nhật Bản có nhiều động thái thiên về ủng hộ nhóm cổ đông của bà Lương Thị Cẩm Tú.
Tại tại BKS nhiệm kỳ mới, sự thắng thế của nhóm Hoàn Cầu - BCG rõ ràng khi 2/2 ứng viên của nhóm này đều trúng cử, là ông Ngo Tony và bà Phạm Thị Mai Phương, trong khi phe đối nghịch chỉ có 1/3 ứng viên trúng cử, là ông Trịnh Quốc Bảo; 2 ứng viên còn lại không đủ phiếu là ông Trần Ngọc Dũng và bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc. Bởi vậy, không bất ngờ khi ngay sau ĐHĐCĐ chiều 15/12, BKS Eximbank đã họp lần đầu và bầu ông Ngo Tony làm Trưởng BKS nhiệm kỳ mới.
"HĐQT Eximbank đã thể hiện sự thống nhất, đồng lòng và đoàn kết cao trong việc hoàn chỉnh bộ máy lãnh đạo vì sự phát triển của ngân hàng, lợi ích của khách hàng và cổ đông cùng toàn thể cán bộ nhân viên" – thông cáo của Eximbank nêu rõ.
Sự "thống nhất, đồng lòng và đoàn kết cao" này có thể mang tới bất ngờ cho nhiều người, nếu biết ngày ngay ngày trước đó, cuộc họp HĐQT đầu tiên vào chiều 16/2 đã không thể diễn ra, do nhóm 3 Thành viên HĐQT liên quan Thành Công Group - Âu Lạc Corp đã không tham dự. Trong khi 4 người của nhóm Hoàn Cầu - BCG và SMBC đều dự.
Động thái "delay" này dường như mang tính hoãn binh, nhằm tìm kiếm những cơ hội cuối cùng để đảo ngược tình hình, tuy nhiên thế trận tại Eximbank gần như đã an bài.
Điều lệ Eximbank quy định cuộc họp lần 2 của HĐQT được phép diễn ra với quá bán số lượng Thành viên HĐQT tham dự. Điều này có nghĩa rằng trong cuộc họp vào ngày 17/2, bất kể 3 thành viên nhóm Thành Công - Âu Lạc có tham gia hay không, Chủ tịch HĐQT mới vẫn sẽ được bầu ra.
Với bối cảnh đó, việc 3 Thành viên HĐQT nhóm Thành Công - Âu Lạc tham dự và bỏ phiếu bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT, dù còn nhiều tính khiên cưỡng, song cũng mang tới những kỳ vọng của giới quan sát về một tầm nhìn chung giữa các nhóm cổ đông, mà quan trọng nhất là cùng đưa Eximbank phát triển, đi lên, sau quá nhiều năm thụt lùi do chìm sâu trong "nội chiến". Còn nhớ, trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái, cũng chính nhóm Thành Công - Âu Lạc đã có đơn đề nghị miễn nhiệm 3 Thành viên HĐQT, trong đó có bà Cẩm Tú.
Trong nhóm cổ đông đối lập ở Eximbank, nhóm Âu Lạc Corp của nữ doanh nhân Ngô Thu Thuý đã có mặt và là thế lực lớn tại nhà băng này cả thập kỷ qua. Ở chiều ngược lại, sự hiện diện của nhóm Thành Công Group chỉ mới bắt đầu được biết đến vào trung tuần tháng 4/2019, khi Chủ tịch tập đoàn này, ông Nguyễn Anh Tuấn có văn bản kiến nghị với HĐQT Eximbank, bày tỏ sự lo lắng sâu sắc đối với tình hình Ngân hàng và rất muốn được làm sáng tỏ một số vấn đề.
"Chúng tôi là các cổ đông mới đầu tư, hiện nắm giữ 12,97% vốn điều lệ của Eximbank" - ông Tuấn viết trong đơn. Gần 13% cổ phần EIB mà ông Nguyễn Anh Tuấn đề cập bao gồm 60,54 triệu cổ phần (4,90%) thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Thành Công, 54,97 triệu cổ phần (4,45%) của ông Nguyễn Tiến Dũng và 44,72 triệu cổ phần (3,62%) của Hợp tác xã cổ phần Thành Công.
Sở hữu thực tế của Thành Công Group và các cổ đông liên quan tại Eximbank tới thời điểm hiện tại có thể còn cao hơn nhiều. 2/7 Thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới là "người" của tập đoàn này, gồm bà Lê Hồng Anh - phu nhân của ông Nguyễn Anh Tuấn, và ông Đào Phong Trúc Đại, dù tham gia với vai trò Thành viên HĐQT độc lập, song cũng là một lãnh đạo cấp cao của Thành Công Group.
Thành Công Group là tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam. Với xuất phát điểm trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, tập đoàn của doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn những năm gần đây đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp, tài chính.
Hoàn thiện cấu trúc tài chính vững mạnh, trong đó sở hữu, chi phối một ngân hàng để giải quyết vấn đề dòng tiền, không khó để thấy là mục đích sau cùng của Thành Công Group tại Eximbank, chứ không chỉ đơn thuần là một cổ đông thiểu số, tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Và có lẽ cũng bởi vậy, mà thế kẹt suốt 3 năm qua tại Eximbank khó có thể khiến các ông chủ ở Thành Công Group hài lòng, lưu ý thêm rằng chi phí vốn luỹ kế cho khoản đầu tư vào Eximbank tới nay chắc hẳn là con số không hề nhỏ.
Thế trận tại Eximbank gần như đã ngã ngũ, nhóm cổ đông đối lập Thành Công - Âu Lạc giờ đây không còn nhiều lựa chọn, hoặc đồng hành cùng nhóm cổ đông đã nắm quyền kiểm soát, hay ở một phương án khác, là bán lại phần vốn cho một bên thứ 3 - những người đang khao khát sở hữu một nhà băng tư nhân với hệ thống rộng khắp như Eximbank.
Tất nhiên, với kịch bản nào, thì họ đều là những người ở vào thế bị động. Nhìn một cách toàn cục, có chăng Thành Công Group cùng Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn đã đi nhầm "nước cờ" ngay khi quyết định đặt chân vào Eximbank?!