Vì sao vẫn còn thiếu thuốc khám chữa bệnh tại các bệnh viện công?
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng những nguyên nhân đến từ hệ thống văn bản hướng dẫn và vướng mắc trong thực tế tổ chức đấu thầu mua sắm khiến vẫn còn tình trạng thiếu thuốc khám chữa bệnh, gián đoạn cung ứng vật tư y tế tại các bệnh viện (BV) công trên địa bàn.
Vướng từ hệ thống văn bản hướng dẫn
Như đã phản ánh, mặc dù đã được cải thiện nhiều nhưng đến nay vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc khám chữa bệnh cục bộ, tạm thời; gián đoạn nguồn cung vật tư y tế, hoá chất ở những thời điểm nhất định tại một số cơ sở y tế công lập (BV công) trên địa bàn Đà Nẵng.
Là BV hạng 1, có trách nhiệm khám chữa bệnh cho người dân TP Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nhưng BV Đà Nẵng vẫn còn tình trạng thiếu thuốc tạm thời trong khi chờ kết quả đấu thầu.
Theo BSCKII Trần Thanh Thuỷ - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nên trên thì nguyên nhân đầu tiên liên quan đến hệ thống văn bản hướng dẫn về đấu thầu thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, đặc biệt là thuốc, chưa kịp thời và đồng bộ.
Từ ngày 1/1/2024 đến trước ngày 17/5/2024, việc mua sắm thuốc thực hiện theo Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; nhưng chưa có thông tư của Bộ Y tế quy định về đấu thầu thuốc tại BV công.
Do đó, công tác đấu thầu tập trung tại Sở Y tế Đà Nẵng cung ứng thuốc năm 2024 - 2026 cho các BV công trên địa bàn và các gói thầu mua sắm bổ sung thuốc do các BV công tự tổ chức lựa chọn nhà thầu phải tạm dừng để chờ văn bản hướng dẫn. Trong khi, số lượng thuốc tồn kho tại các BV công phần lớn chỉ bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh trong quý I/2024.
Đến ngày 17/5/2024, Bộ Y tế ban hành Thông tư 07/2024/TT-BYT về đấu thầu thuốc tại BV công; trong đó có quy định BV công phải tổ chức đấu thầu mua sắm các thuốc trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế để cung ứng cho bệnh nhân tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên BV.
Do điều này nên các BV công phải đồng thời tổ chức mua sắm thuốc phục vụ điều trị nội trú, cấp phát ngoại trú và cung ứng thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc như nhà thuốc, quầy thuốc BV. Theo quy trình, việc đấu thầu mua sắm kéo dài ít nhất 2 - 3 tháng hoặc lâu hơn nữa tùy theo quy mô gói thầu và hình thức mua sắm. Vì vậy phần lớn các BV công phải tổ chức nhiều gói thầu mua sắm liên tiếp.
Trong đó, ưu tiên mua sắm các thuốc để duy trì hoạt động của BV công trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; hoặc cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể là ưu tiên mua sắm các thuốc cấp cứu, thuốc cơ bản, cần thiết phục vụ điều trị nội trú và cấp phát ngoại trú trước; các thuốc còn lại sẽ được mua sắm bổ sung trong giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời qua thực tế đấu thầu phát sinh một số vướng mắc do thiếu đồng bộ, thống nhất trong văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý các cấp; một số nội dung chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu, ý kiến khác nhau của các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia công tác đấu thầu mua sắm. Trong khi đó, việc xin ý kiến của Bộ KH&ĐT và Bộ Y tế đối với một số nội dung khó khăn, vướng mắc và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đấu thầu thường kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ đấu thầu, mua sắm.
Và vướng trong thực tế triển khai
Về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức mua sắm, bà Trần Thanh Thuỷ cho biết, thực tế kết quả đấu thầu chỉ lựa chọn được nhà thầu đối với khoảng 70 -80% danh mục thuốc mời thầu, dẫn đến không cung cấp đầy đủ thuốc theo nhu cầu sử dụng của các BV công.
Lý do là không lựa chọn được nhà thầu; bao gồm nhà thầu không tham gia dự thầu do nguồn cung ứng thuốc không bảo đảm (thuốc gây nghiện, hướng thần (Fentanyl, Morphin, Diazepam, Pethidin), thuốc gây tê (Lidocain + Adrenalin), một số dịch truyền, kháng sinh, thuốc điều trị chuyên khoa ung bướu, tâm thần, mắt...) hoặc do số lượng mời thầu ít; giá thuốc dự thầu cao hơn giá kế hoạch (Insulin, kháng sinh, thuốc điều trị chuyên khoa ung bướu, tâm thần, mắt...).
Một số thuốc đã phê duyệt kết quả trúng thầu nhưng nhà thầu không cung ứng được đúng số lượng và tiến độ yêu cầu (Paracetamol tiêm truyền, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, một số kháng sinh như Imipenem, Meropenem, Ciprofloxacin, Ofloxacin...).
Nguyên nhân chủ yếu do quá tải, đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc trên toàn thế giới dẫn đến thiếu hụt nguồn cung ứng thuốc, nguyên liệu để sản xuất thuốc; hoặc một số vướng mắc, khó khăn trong việc cấp, gia hạn số đăng ký giấy phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Cùng với đó, các đơn vị y tế còn bị động trong xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc do ảnh hưởng của yếu tố dịch bệnh, thay đổi mô hình bệnh tật, triển khai kỹ thuật mới và tăng yêu cầu thu dung khám chữa bệnh. Từ đó dẫn đến phát sinh các nhu cầu đột xuất về thuốc, như nhu cầu sử dụng các thuốc trúng thầu vượt số lượng mua sắm, hoặc nhu cầu sử dụng các loại thuốc mới chưa có trong danh mục thuốc trúng thầu.
Theo Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Trần Thanh Thuỷ, việc xử lý tình trạng thiếu thuốc sau khi có kết quả trúng thầu thường mất thời gian nên không thể kịp thời cung cấp đầy đủ thuốc cho đối với các nhu cầu thuốc phát sinh này.
Ngoài ra, nguồn nhân lực tham gia tổ chức đấu thầu, mua sắm của Sở Y tế Đà Nẵng và các BV công được huy động từ lực lượng làm công tác chuyên môn nên thiếu về số lượng (nhiều đơn vị không đủ cán bộ đáp ứng yêu cầu của Tổ chuyên gia, Tổ thẩm định theo Nghị định 24/2024/NĐ-CP); hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm đấu thầu; thiếu các đơn vị tư vấn, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này.
“Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn thực hiện lại có những thay đổi mới và đang trong quá trình hoàn thiện. Các đơn vị triển khai trong bối cảnh vừa nghiên cứu, vừa thực hiện, vừa cập nhật theo các văn bản mới nên ảnh hưởng đến tiến độ và làm tăng tải công việc”, bà Trần Thanh Thuỷ nhấn mạnh.