Điện gió ngoài khơi sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh
Trong quá trình chuyển dịch năng lượng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng tương lai, là “chìa khóa” để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển xanh, bền vững đã đề ra.
Việt Nam có lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi
Hiện nay, năng lượng xanh đang trở thành một xu hướng tất yếu khi nguồn nhiên liệu hóa thạch đang suy giảm, gây ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đang chuyển hướng phát triển năng lượng sạch và bền vững. Theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, dự kiến cung cấp 1/3 tổng lượng điện toàn cầu. Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm thiểu tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.
Tại COP26, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các hành động cụ thể để đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về phát thải ròng, trong đó có việc hướng đến việc phát triển các dạng năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời... Trong đó, điện gió ngoài khơi chính là vấn đề mà Chính phủ Việt Nam quan tâm và thúc đẩy triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Điện gió ngoài khơi góp phần hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước (Ảnh minh họa) |
Với đường bờ biển dài hơn 3.000 km và vùng biển rộng, trải dài khắp 28 tỉnh, thành phố ven biển, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về điện gió ngoài khơi, khoảng gần 600 GW. Trong đó, tiềm năng kỹ thuật là 261 GW điện gió ngoài khơi móng cố định (ở độ sâu thấp hơn 50 m), 338 GW của các dự án điện gió ngoài khơi móng nổi (ở vùng biển sâu hơn 50 m). Có nơi tốc độ gió hàng năm vượt quá 10 m/s. Đây sẽ là những điều kiện bước đầu đầy lợi thế để Việt Nam triển khai các dự án trong tương lai.
Điện gió ngoài khơi góp phần hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển xanh và bền vững cho giai đoạn tới, Đảng và Chính phủ đã có những định hướng chiến lược đúng đắn cho việc phát triển, tận dụng nguồn năng lượng từ biển. Cụ thể, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển. Trong đó, việc sản xuất năng lượng tái tạo ngoài khơi giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược kinh tế biển Việt Nam trong giai đoạn tới.
Đến ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nội dung: “... Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”.
Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC. |
Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Và đến tháng 5/2023, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Quy hoạch điện VIII nêu rõ, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000-91.500 MW.
Đồng thời, tại Quyết định 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 25/11/2015 đã có mục tiêu: Từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến năm 2020, hầu hết số hộ dân có điện; đến năm 2030, hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý.
“Chìa khóa” cho phát triển xanh và bền vững
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đang diễn ra đưa Luật Điện lực (sửa đổi) vào chương trình thảo luận, góp ý, xem xét thông qua nếu đủ điều kiện. Trong đó, dự thảo Luật đã bổ sung các điều khoản nhằm thúc đẩy phát triển điện năng lượng tái tạo, đặc biệt đề xuất các cơ chế và chính sách cụ thể, góp phần thúc đẩy điện gió ngoài khơi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững. Đây là bước tiến nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng.
Cùng với đó, việc tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể thực sự “vươn mình trong kỷ nguyên mới” nói chung, trong việc phát triển điện gió ngoài khơi nói riêng.
Nhìn vào những mục tiêu Việt Nam đang hướng đến trong giai đoạn tới, cần phải khẳng định điện gió ngoài khơi sẽ nắm giữ “chìa khóa” quan trọng để Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển và tăng trưởng xanh khi không chỉ là nguồn điện phục vụ sản xuất kinh tế, đời sống xã hội, mà còn là nguồn năng lượng để sản xuất các dạng năng lượng mới.
Khánh An