Ưu tiên học sinh học trường gần nhà
Năm học 2025-2026 tới, các trường học từ mầm non đến THCS công lập tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai việc tuyển sinh đầu cấp theo hướng ưu tiên để học sinh học trường gần nhà.
Theo đó, căn cứ vào hệ thống trường, lớp trên địa bàn, số lượng học sinh và thông tin về nơi ở hiện tại của học sinh, kết hợp sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để tính toán khoảng cách di chuyển của học sinh, các nhà trường sẽ tuyển sinh theo nguyên tắc bảo đảm quãng đường từ nhà đến trường không quá 4km đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học, không quá 7km đối với học sinh THCS. Như vậy, việc tuyển sinh cơ bản sẽ không còn căn cứ vào địa giới hành chính hay nơi cư trú (trên giấy tờ) của các em học sinh. Các em học sinh tuy đăng ký cư trú ở xã, phường này nhưng hoàn toàn có thể vào học tại các trường thuộc địa bàn xã, phường khác nếu trường đó gần nơi ở hiện tại hơn.
![]() |
Học sinh trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch (phường 13, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) vui mừng chào đón năm học mới. Ảnh: TTXVN |
Hiện nay, đa số các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập trên địa bàn cả nước đều tổ chức tuyển sinh đầu cấp theo phân tuyến. Theo cách tuyển sinh này, học sinh có nơi cư trú (trước đây là hộ khẩu) ở địa bàn xã, phường nào thì nhập học ở các trường thuộc địa bàn xã, phường đó. Điều này có ưu điểm là thuận lợi trong công tác tuyển sinh, quản lý, song lại là nỗi khổ đối với nhiều học sinh đăng ký cư trú ở một nơi nhưng chỗ ở hiện tại lại ở nơi khác.
Thực tế những năm trước đây đã có rất nhiều trường hợp bố mẹ đăng ký hộ khẩu cho con ở quê hay một địa chỉ nào đó nhưng do điều kiện công việc, hoàn cảnh gia đình lại chuyển đến ở địa bàn khác. Điều này khiến hành trình xin học của các em vô cùng vất vả vì lý do “trái tuyến”, nhất là tại các đô thị lớn. Để có thể cho con vào học tại các trường gần nơi ở, cha mẹ phải lo “chạy” thủ tục, giấy tờ, hộ khẩu, huy động các mối “quan hệ”, đồng thời phải chi nhiều khoản tiền “bôi trơn”, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cũng như bức xúc xã hội.
Việc tuyển sinh theo hướng “ưu tiên gần nhà” dựa vào nơi ở hiện tại của học sinh, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, nơi đăng ký cư trú (hộ khẩu) đã được một số cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thí điểm từ vài năm trước. Qua thực tế triển khai đã cho thấy hiệu quả tích cực khi tạo thuận lợi trong việc đi lại, đưa đón học sinh, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực, nạn “chạy trường, chạy lớp”, phù hợp với quan điểm phổ cập giáo dục, góp phần bảo đảm quyền được học tập của trẻ em, học sinh, được đông đảo cha mẹ học sinh và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Thiết nghĩ, mô hình này cần được nghiên cứu để nhân rộng trên địa bàn cả nước.
PHƯƠNG HIỀN