Chấm dứt tình trạng học thêm mới là học chính
Sau hơn một tháng thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) về quản lý dạy thêm, học thêm, nhiều chuyển biến đáng kể đã diễn ra trong hệ thống giáo dục.
Dù vẫn còn những băn khoăn từ phía giáo viên và lo lắng từ cha mẹ, nhưng chủ trương này đang tạo ra những tác động tích cực, góp phần chấm dứt tình trạng học thêm mới là học chính và đề cao tầm quan trọng của tư duy tự học.
Chuyển đổi mô hình và nhận thức
Ngay sau khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, nhiều địa phương trên cả nước đã có những điều chỉnh trong mô hình dạy học để phù hợp với quy định mới. Các đơn vị trường học đồng loạt thông báo chấm dứt mọi hình thức dạy thêm trong nhà trường. Các tiết học mang tên là “bổ trợ” trước đây cũng không còn trong thời khóa biểu của học sinh.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều trường học tại Ninh Bình đã điều chỉnh thời khóa biểu theo mô hình học 2 buổi/ngày. Theo thầy Phan Văn Trình, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Yên Ninh, mỗi ngày, học sinh sẽ học 4 tiết chính khóa vào buổi sáng và 3 tiết vào buổi chiều trong 3 ngày/tuần, thời gian còn lại dành cho hoạt động ngoại khóa và các câu lạc bộ. Cô Lê Thị Hồng Nhung, giáo viên môn Tiếng Anh của trường cho rằng cách bố trí này giúp học sinh giảm căng thẳng, nâng cao khả năng tiếp thu bài giảng đáng kể.
![]() |
Trường Tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc từ lâu đã trang bị cho học sinh tư duy tự học. |
Cùng với Ninh Bình, gần 20 tỉnh, thành phố trên cả nước đã mạnh dạn triển khai thí điểm hoặc thực hiện đại trà. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này còn nhiều vướng mắc, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, nơi nhiều trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày một cách hiệu quả. Trong khi đó, một số trường dù đủ điều kiện vẫn không triển khai vì lo ngại khó quản lý học sinh hoặc do cha mẹ mong muốn con học thêm theo nhu cầu cá nhân.
Mục tiêu của Thông tư 29 là xây dựng một hệ thống học tập chủ yếu dựa vào việc tự học và giảm bớt sự phụ thuộc vào các lớp học thêm. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi thời gian, trong khi kỳ thi đã gần kề. Để hỗ trợ học sinh cuối cấp, nhiều địa phương đã mở các lớp học miễn phí. Tại Bắc Giang, 100% giáo viên đã tình nguyện dạy miễn phí để giúp học sinh hoàn thành chương trình học đầy đủ. Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo việc sử dụng giờ giảng dạy chưa đủ định mức để tổ chức các lớp học thêm miễn phí mà không thu học phí hay sử dụng ngân sách nhà nước.
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình Nguyễn Ngọc Hà cho biết hiện toàn tỉnh có 325 cơ sở dạy thêm đăng ký hoạt động và 246 giáo viên THPT đã báo cáo việc dạy thêm ngoài trường. Đã có 223/273 trường THCS tổ chức ôn thi vào lớp 10, 9 trường THPT triển khai ôn thi tốt nghiệp, các trường còn lại dự kiến thực hiện trong tháng 4 hoặc 5. Nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng dạy chính khóa, hướng dẫn học sinh phương pháp tự học và giám sát việc học tập tại nhà bảo đảm tính khoa học, vừa sức. Ngày 23-3, Sở GD-ĐT Thái Bình đã tổ chức hội nghị tập huấn ôn thi tốt nghiệp THPT cho 440 giáo viên môn Toán và 395 giáo viên môn Ngữ văn của các trường có cấp THPT trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Chuyển đổi từ mô hình học thêm sang phương thức tự học không chỉ là vấn đề của các nhà trường mà còn là thách thức đối với nhiều cha mẹ học sinh. Một số gia đình vẫn giữ thói quen kỳ vọng vào các lớp học thêm và áp lực điểm số, tin rằng con cái chỉ có thể thành công nếu học thêm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng việc học không phải là cuộc đua thành tích mà là một hành trình dài. Điều quan trọng không phải là số giờ học thêm hay điểm số mà là khả năng tự học, tư duy độc lập và phát triển bền vững. Đặc biệt, với những lĩnh vực thay đổi nhanh chóng như công nghệ và lập trình, học sinh cần trang bị khả năng tự học và tư duy phản biện để đáp ứng yêu cầu của tương lai.
Kiểm soát việc lách luật
Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, số lượng hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm tăng đột biến tại nhiều địa phương. Với mong muốn duy trì thu nhập, nhiều giáo viên tìm cách lách luật, hợp tác với các trung tâm phụ đạo hoặc luân chuyển học sinh giữa các giáo viên trong cùng trường. Một số nơi dù tuyên bố tổ chức học miễn phí nhưng cha mẹ vẫn phải đóng các khoản phí điện, nước, bảng, phấn, tương đương học phí trước đây.
Tại Hải Phòng, Sở GD-ĐT Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra và thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. Hiện Sở GD-ĐT Hải Phòng đang khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin Trường THCS Lương Khánh Thiện lách luật học một buổi tại trường, buổi còn lại cả học sinh và giáo viên di chuyển đến một địa điểm khác cách trường 3km để học thêm, gây bức xúc trong dư luận.
Việc kiểm soát chặt chẽ các lớp học thêm dù gặp nhiều khó khăn, nhưng sau “cú sốc” hiện nay, chất lượng giáo dục cuối cùng sẽ phản ánh đúng giá trị cốt lõi của nó. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: “Không thể chậm trễ hơn nữa trong việc quản lý dạy thêm, học thêm”. Nhấn mạnh quan điểm không cấm dạy thêm, học thêm đúng quy định, hiệu quả, nhưng kiên quyết cấm dạy thêm, học thêm tràn lan, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng “không thể lấy việc học sinh cần học mà tổ chức dạy thêm và thu tiền của học sinh. Giáo viên đã tư vấn chưa, con không cần học, con chỉ cần tự học? Hình như vẫn có nơi chưa làm thế, chưa làm hết trách nhiệm nên tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan kéo dài. Hạnh phúc của thầy cô là sớm nhất có thể để học sinh không phụ thuộc vào mình”.
Về giải pháp chuyên môn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chỉ đạo dứt khoát làm tốt dạy học chính khóa. Cụ thể, đổi mới phương pháp giảng dạy, quan tâm tới từng đối tượng học sinh, nhất là những học sinh yếu; đổi mới kiểm tra, đánh giá; bố trí sắp xếp giáo viên phù hợp; hướng dẫn học sinh đa dạng hóa hình thức học tập, tự học có hướng dẫn, học nhóm, học qua các phương tiện, công nghệ hiện đại... Về lâu dài, cần xây dựng đủ trường lớp để không còn áp lực sĩ số, áp lực trường chuyên, lớp chọn.
Bài và ảnh: HOÀNG LÊ LAN