Tuyển sinh 2024: Thí sinh cần lưu ý những gì khi xét tuyển sớm?
Xét học bạ THPT là phương thức xét tuyển sớm được nhiều trường đại học dùng để tuyển sinh năm 2024.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy thông tin thêm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ sẽ ban hành quy chế thống nhất với tinh thần giữ ổn định không ảnh hưởng đến học sinh năm nay. Ở thời điểm này, thí sinh có thể tham khảo các mốc thời gian của năm trước.
Tính đến nay, đã có khoảng 70 trường công bố sử dụng học bạ để xét tuyển, trong đó có các trường top đầu, trường quân đội.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Sức khoẻ và Đời sống, cô Nguyễn Hương Giang (giáo viên Trường THPT Công nghiệp, tỉnh Phú Thọ) cho biết, phương thức xét tuyển sớm mang tới cho thí sinh thêm cơ hội trúng tuyển đại học.
Theo cô Giang, nếu kết quả học bạ của các em có lợi thế thì các em nên lựa chọn phương thức xét tuyển này. "Khi xét tuyển theo phương thức này thì các em sẽ yên tâm, giúp các em học sinh lớp 12 giảm áp lực. Tuy nhiên, một điều thí sinh không được chủ quan đó là sau khi trường THPT nơi các em theo học công bố điểm chuẩn học bạ thì các em cần thực hiện tốt quá trình còn lại đó là hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT với kết quả tốt nhất".
Theo Thanh Niên liên quan đến tuyển sinh đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết trước hết học sinh cần nghiên cứu đề án tuyển sinh các trường. Nhìn chung, phương thức xét tuyển các trường không thay đổi nhiều so với năm trước. Nếu có, trường điều chỉnh thêm, bớt phương thức hoặc thay đổi cách thức xét trong một phương thức cụ thể cho phù hợp hơn.
Về xét tuyển sớm, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy lưu ý các trường đại học công bố phương thức xét tuyển cùng thời hạn nộp hồ sơ cụ thể, TS cần chú ý để không bỏ lỡ. Tuy nhiên, TS lưu ý khi tham gia xét tuyển sớm dù được công bố đủ điều kiện trúng tuyển vẫn chưa thực sự trúng tuyển. TS dù trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng (NV) đó lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT, nếu không kết quả trúng tuyển sớm sẽ không có giá trị. Nếu đủ điều kiện trúng tuyển sớm, khi đăng ký trên hệ thống của Bộ, TS chỉ cần đặt NV 1 là chắc chắn trúng tuyển.
"Việc yêu cầu TS trúng tuyển sớm đăng ký NV trên hệ thống của Bộ nhằm đảm bảo quyền lợi của TS. Khi đó, TS không bắt buộc phải xác nhận nhập học bằng xét tuyển sớm nhưng vẫn đảm bảo việc trúng tuyển phương thức này đồng thời vẫn có thể tăng thêm cơ hội xét tuyển bằng các phương thức khác", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Trước các băn khoăn của học sinh trong lựa chọn ngành học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khuyên: "Cách thức để đăng ký xét tuyển đơn giản mà hiệu quả nhất đó là đặt NV mình đam mê, mong mỏi nhất lên hàng đầu để khi hệ thống xét tuyển các NV tuần tự từ trên xuống dưới".
Có TS thắc mắc việc xét tuyển NV thứ 5 bị thiệt thòi, bà Thủy khẳng định không có tình trạng trên. Hệ thống xét tuyển sẽ tự động lấy dữ liệu của tất cả TS khi xét vào cùng một ngành, không phân biệt TS đó đăng ký vào bằng NV thứ mấy. Do đó, không có sự ưu tiên cho TS trúng tuyển bằng thứ tự NV 1 hay NV 5 trong cùng một ngành.
Giải thích thêm về nguyên tắc xét tuyển trên hệ thống chung, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết các trường đại học có nhiều phương thức khác nhau nhưng khi đăng ký trên hệ thống, TS chỉ cần chọn ngành học. Hệ thống sẽ sử dụng tất cả dữ liệu xét tuyển của TS để xác định NV trúng tuyển theo lựa chọn ưu tiên mà TS đăng ký.
Với cách thức đó, TS có thể đỗ NV cao nhất với kết quả ưu tiên. Hệ thống đang hỗ trợ nhiều nhất cho TS, phần khó hơn thuộc các trường đại học và Bộ GD&ĐT. Với mong muốn đó, quy chế tuyển sinh được giữ ổn định trong nhiều năm qua để TS được xét tuyển công bằng và bình đẳng nhất.