Top 5 ngành học "khát" nhân lực nhưng mức lương đầy hứa hẹn hiện nay, đặc biệt là số 4
Giữa bão sa thải, có nhiều ngành học hứa hẹn vẫn thu hút lượng lớn sinh viên với sức cạnh tranh gay gắt.
Nền kinh tế và xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến sự xuất hiện của nhiều ngành học mới. Tuy ra đời với thời gian không dài như nhiều ngành truyền thống khác, song các ngành như: Truyền thông, Marketing,… đã nhanh chóng dẫn đầu về điểm số trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đây cũng là các ngành thu hút đông đảo sinh viên lựa chọn theo học và có điểm chuẩn ngày càng tăng, không có dấu hiệu giảm qua từng năm. Với các trường top đầu với thế mạnh ngành nghề thì mỗi thí sinh cần ít nhất 9 điểm mới có cơ hội trúng tuyển. Mặc dù vậy, dưới đây vẫn là nhóm ngành nghề khá “khát” nhân lực với mức lương sau khi ra trường vô cùng cạnh tranh.
Ngành Truyền thông - Marketing
Trong thời đại công nghệ số với sự bùng nổ thông tin lớn như hiện nay, những nhóm ngành liên quan đến Truyền thông - Marketing luôn cần nguồn nhân lực lớn trong hầu hết các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển. Nhóm ngành nghề này thích hợp với những người có óc sáng tạo, tư duy nhạy bén và nắm bắt nhanh các xu thế.
Tuy nhiên, nhóm ngành cũng chứng kiến sự biến động khá lớn nên mức lương vẫn phụ thuộc nhiều vào vị trí, kinh nghiệm và thành tựu cá nhân mang lại. Thu nhập dao động của nhân sự ngành Truyền thông - Marketing sẽ từ 10 triệu - 20 triệu/tháng, một số nhóm đặc thù chuyên môn cao sẽ có thể lên đến 40 triệu.
Ngành Công nghệ Thông tin
Suốt nhiều năm qua, Công nghệ Thông tin vẫn luôn được chú trọng và được nhiều sinh viên lựa chọn theo học. Đây được đánh giá là ngành học mũi nhọn trong bối cảnh kỹ thuật số hiện nay. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cũng vô cùng đa dạng với nhiều vị trí khác nhau như: Lập trình viên, phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu…
Sau khi ra trường, sinh viên có nhiều cơ hội làm việc tại đa dạng doanh nghiệp do nhu cầu sử dụng nhân lực trong ngành nghề này hiện nay khá cao. Thu nhập nhân sự ngành Công nghệ Thông tin có thể dao động trong khoảng 10 triệu - 16 triệu/tháng, trong khi đó với các cấp bậc cao hơn thì mức lương có thể lên đến 50 triệu/tháng.
Ngành Du lịch, Quản trị Nhà hàng - Khách sạn
Với nhu cầu “chữa lành” như hiện nay, các khối ngành liên quan đến dịch vụ du lịch cũng phát triển hơn bao giờ hết. Thời điểm hiện tại, có nhiều trường đại học và cao đẳng đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực này với lượng sinh viên theo học đông đảo. Làm việc ngày ngành Du lịch, Nhà hàng và Khách sạn, sinh viên cần trang bị các kỹ năng liên quan đến giao tiếp, đàm phán, xử lý tình huống, ngoại ngữ…
Mức lương của nhân viên trong lĩnh vực này sẽ giao động trong khoảng 10 triệu - 30 triệu/tháng, với các công việc có liên quan đến ngoại ngữ thì mức lương có thể lên đến 50 triệu/tháng. Tuy nhiên, thu nhập cá nhân vẫn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, kỹ năng hoặc tổ chức đang làm việc.
Ngành Xử lý dữ liệu
Theo IDC, vào năm 2025, số lượng dữ liệu sẽ tăng lên 175 zettabyte (1 zettabyte = 1 tỷ terabyte). Trong khi đó, ngành Xử lý Dữ liệu sẽ tăng trưởng 19% từ năm 2020 đến năm 2030. Điều này cho thấy các nhu cầu liên quan nhân lực trong lĩnh vực dữ liệu sẽ tăng cao trong vài năm sắp tới.
Tuy là ngành học còn khá xa lạ với nhiều người nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, quản lý và xử lý các dữ liệu lớn của doanh nghiệp tổ chức. Cơ hội việc làm sau khi ra trường của ngành cũng khá đa dạng như: Chuyên gia khoa học dữ liệu, chuyên viên xử lý dữ liệu… Theo đó, mức lương sẽ dao động trung bình vào khoảng 10 triệu - 30 triệu/tháng, tùy thuộc vào vị trí và năng lực làm việc.
Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng
Theo Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đến năm 2025, ngành Logistics cần thêm khoảng là 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, ICT, tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, ngành học này đòi hỏi lượng lớn sinh viên ra trường được trang bị bài bản về kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
Mặc dù vậy, hiện cũng khá ít trường đào tạo, trong khi đó nhiều sinh viên và phụ huynh vẫn chưa tiếp cận đến nhóm ngành nghề này. Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng là việc quản lý một mạng lưới kết nối của các doanh nghiệp tham gia vào việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ đến người dùng. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc với các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp trong nước với mức lương dao động trong khoảng 10 - 15 triệu/tháng hoặc cao hơn tùy thuộc vào vị trí, cấp bậc...
Tổng hợp