Thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế giữa các vùng miền
Y tế từ xa được xem là giải pháp đột phá để đạt mục tiêu công bằng, hiệu quả, phát triển, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Mô hình khám, chữa bệnh từ xa đã chứng minh tính ưu việt, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến, hỗ trợ kịp thời cho các địa phương khó khăn những năm qua.
Đẩy mạnh triển khai y tế từ xa
Ngành y tế Việt Nam những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới như già hóa dân số, gia tăng bệnh không lây nhiễm, áp lực quá tải tại các bệnh viện Trung ương; đặc biệt là sự chênh lệch, thiếu công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế giữa các vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tình trạng chênh lệch, thiếu công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế giữa các khu vực không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu; việc cấp thiết là phải hướng tới việc xây dựng một hệ thống y tế vững mạnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số và người sống ở vùng sâu, vùng xa. GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Ngay từ năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22-6-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế và khai trương hơn 1.000 điểm cầu. Đề án triển khai đã cứu sống được hàng nghìn người bệnh Covid-19 nặng, trong đó có cả những người bệnh quốc tế. Đến nay, Đề án đang được tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên toàn quốc”.
![]() |
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới phẫu thuật trường hợp gãy cổ xương đùi. Ảnh: MINH NGỌC |
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế và không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, hội nhập sâu rộng và phát triển nhanh, bền vững, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược, đặt nền tảng vững chắc cho việc hiện đại hóa ngành y tế. Đồng thời, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24-1-2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới đã khẳng định tinh thần chủ động, nâng cao năng lực nội sinh, mở rộng hợp tác toàn diện với các đối tác quốc tế. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực mới, nhạy cảm với công nghệ, trong đó có khám, chữa bệnh từ xa, y tế số, bảo mật dữ liệu và các mô hình thanh toán thông minh. Những yêu cầu này chính là kim chỉ nam để ngành y tế hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy y tế số phát triển bền vững.
Mới đây, Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khởi động Dự án “Tăng cường Hệ thống phát triển năng lực cho nhân viên y tế thông qua khám, chữa bệnh từ xa”. Dự án được JICA tài trợ không hoàn lại với tổng vốn ODA 3 triệu USD, triển khai trên phạm vi toàn quốc, trong đó thí điểm tại tỉnh Yên Bái (cũ) và sau ngày 1-7 đã sáp nhập vào tỉnh Lào Cai, sẽ góp phần rất lớn vào việc nâng cao năng lực chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực y tế và củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe từ cơ sở đến Trung ương. Bác sĩ Dương Huy Lương, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: Dự án sẽ không chỉ tập trung vào khía cạnh chuyên môn, kỹ thuật lâm sàng như hội chẩn từ xa, đào tạo trực tuyến... mà còn hướng tới các yếu tố vận hành cốt lõi để bảo đảm hiệu quả và tính bền vững lâu dài. Dự án không chỉ là một chương trình hỗ trợ kỹ thuật đơn thuần mà còn là bước đi chiến lược góp phần định hình tương lai của chuyển đổi số y tế tại Việt Nam.
Không chỉ là rút ngắn khoảng cách địa lý
Là địa phương được nhận hỗ trợ từ dự án, bác sĩ Nguyễn Song Hào, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai chia sẻ, đây là dự án có ý nghĩa thiết thực và sâu sắc đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là ở những địa phương vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn như Lào Cai. Đây không chỉ là cơ hội lớn để ngành y tế địa phương tiếp cận với những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực y tế từ xa mà còn là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở.
Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai nhận định: “Khoảng cách địa lý, sự thiếu hụt chuyên gia y tế và hạn chế về cơ hội đào tạo luôn là những rào cản lớn. Y tế từ xa sẽ giúp chúng ta kết nối trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, cho phép các bác sĩ tuyến dưới được tham gia hội chẩn các ca bệnh khó, hỗ trợ chuyên môn kịp thời, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, đồng thời được đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn một cách liên tục và hiệu quả. Điều này không chỉ củng cố kiến thức mà còn tăng cường sự tự tin cho đội ngũ y, bác sĩ. Y tế từ xa đã và đang chứng minh vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống y tế hiện đại”.
Bằng những giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong xóa bỏ sự chênh lệch về cơ sở vật chất, nhân lực y tế, chuyên môn giữa vùng khó khăn và thành thị, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời giúp người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với dịch vụ y tế hiện đại, chất lượng, chúng ta tin tưởng rằng, chất lượng y tế giữa các vùng miền sẽ tiến tới cân bằng trong thời gian không xa.
Bài và ảnh: DIỆP CHÂU