Nhiều bệnh viện ngừng mổ phaco, quá tải cho Bệnh viện Mắt Tp.HCM
Bệnh nhân tăng đột biến nên Bệnh viện Mắt Tp.HCM dùng hết số thủy tinh thể đấu thầu mua sắm cho cả năm 2023, quá tải cho đơn vị này.
Nhiều khó khăn về chuyên khoa Mắt
Cuối tháng 7/2023, Sở Y tế Tp.HCM đang hướng dẫn Bệnh viện Mắt Tp.HCM và một số bệnh viện quận, huyện trên địa bàn về những khó khăn trong triển khai phẫu thuật thay thủy tinh thể. Nguyên nhân do biến động nguồn nhân lực chuyên khoa mắt và do công tác đấu thầu mua sắm vật tư chuyên dụng để thực hiện phẫu thuật chưa kịp đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đại diện Bệnh viện quận 4 cho biết, trung bình mỗi tháng nơi này mổ 40 ca đục thủy tinh thể. Nhưng từ tháng 4 đến nay, việc phẫu thuật đã tạm ngưng.
Lãnh đạo bệnh viện lý giải, để có vật tư tiêu hao phục vụ phẫu thuật mắt, Bệnh viện quận 4 đã mở gói thầu mua thủy tinh thể vào tháng 5/2022, sau đó trúng thầu được 1 trong tổng số 3 loại kính phẫu thuật. Công ty nào trúng thầu sẽ cho mượn máu phẫu thuật tương ứng.
Tháng 10/2022, Bệnh viện tiếp tục mở đấu thầu mua sắm kính lần 2 và trúng được 2 loại kính khác. Tuy nhiên, công ty chỉ cung ứng kính chứ không cho mượn máy, nên không đặt hàng được.
Hệ quả là đến tháng 4, khi kính trúng thầu lần 1 đã dùng hết, công ty cung ứng cũng dừng việc cho mượn máy phẫu thuật, khiến việc mổ phaco của Bệnh viện quận 4 tê liệt.
Ngoài ra về nhân sự phẫu thuật, một trong hai bác sĩ chuyên khoa Mắt nơi đây đã nghỉ thai sản, người còn lại phải tập trung làm việc tại phòng khám.
Bệnh viện quận 4 đã lên kế hoạch mua sắm máy mổ mắt để thoát cảnh lệ thuộc vào máy mượn, nhưng chưa thể đấu thầu. Do đó đến nay, với các ca có chỉ định mổ phaco, nơi này buộc phải chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Mắt Tp.HCM.
Còn đại diện các Bệnh viện huyện Nhà Bè và Bệnh viện huyện Củ Chi chia sẻ, trước đây có triển khai mổ phaco nhưng từ 2019 đã ký hợp đồng hợp tác với Bệnh viện Mắt Tp.HCM. Do đó từ hơn 3 năm nay, khi có bệnh nhân cần phẫu thuật thay thủy tinh thể, các đơn vị này sẽ chuyển họ lên tuyến trên.
Hai Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhân dân 115 đã dừng hoạt động mổ phaco từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Riêng Bệnh viện Nhân dân 115 hiện không có chuyên khoa Mắt.
Lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Trãi báo cáo với Sở Y tế Tp.HCM, khoa Mắt nơi đây có 7 bác sĩ, phẫu thuật phaco cho khoảng 200-250 ca/tháng. Bệnh viện đã tự trang bị 2 máy phẫu thuật. Tuy nhiên, vật tư thủy tinh thể chỉ còn đủ trong 1 tháng, nên nơi này đang tiến hành song song mua sắm trực tiếp và đấu thầu rộng rãi.
Phân luồng giảm tải cho Bệnh viện Mắt Tp.HCM
Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Tp.HCM, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật cho 34.399 bệnh nhân, trong đó hơn 28.400 ca là bệnh nhân đến từ các tỉnh thành khác. Điều này khiến nhu cầu phẫu thuật thay thuỷ tinh thể nhân tạo tăng cao hơn khả năng phục vụ hàng ngày của bệnh viện.
Từ đầu năm đến nay, mỗi ngày Bệnh viện Mắt Tp.HCM thực hiện mổ phaco với công suất tối đa khoảng 350-400 ca. Tuy nhiên, có những ngày cao điểm khoảng 500 người đến khám và đăng ký phẫu thuật, khiến nơi này rơi vào quá tải, lượng bệnh nhân chờ ngày càng đông. Trước đây, bệnh viện mổ khoảng 250 ca một ngày.
Nửa đầu năm, bệnh viện dùng hết số thủy tinh thể được đấu thầu trong cả năm, phải ngưng mổ một tháng từ cuối tháng 6. Nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc do nhiều bệnh viện gặp khó khăn trong đấu thầu mua sắm, ngừng mổ thay thủy tinh thể vài tháng nay. Trong số hơn 38.8000 bệnh nhân mổ tại Bệnh viện Mắt Tp.HCM từ đầu năm đến nay, hơn 28.000 người từ các tỉnh thành khác, chiếm gần 2/3.
Bệnh viện Mắt Tp.HCM đang đẩy nhanh đấu thầu mua sắm, dự kiến sau 15/8 sẽ khắc phục được tình trạng bệnh nhân chờ mổ thủy tinh thể. Bệnh viện sẽ mổ thêm vào thứ 7 hàng tuần, đang chờ thủ tục với cơ quan bảo hiểm để có thể thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân.
Tại cuộc họp trực tuyến ngày 20/7 với các bệnh viện, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế Tp.HCM nhận định, việc phẫu thuật thay thủy tinh thể không thể dồn hết về Bệnh viện Mắt Tp.HCM. Vấn đề đang xảy ra gần giống như việc đặt máy xét nghiệm. Khi trúng thầu loại kính nào thì công ty đó sẽ đặt máy để bệnh viện thực hiện.
Với hoạt động của Bệnh viện huyện Củ Chi, việc chuyển bệnh nhân từ nơi này lên tuyến trên ở trung tâm mổ mắt là điều khó khăn. Ban giám đốc bệnh viện nên trao đổi và làm việc với Bệnh viện Mắt, để có sự hợp tác mổ mắt tại chỗ.
Với các Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhân dân 115, hai nơi này trước đây đã triển khai hoạt động mổ mắt rất hiệu quả, việc bị đình trệ phẫu thuật trong thời gian qua được Sở Y tế đánh giá là điều "không hợp lý". Do đó, các bệnh viện cần có kế hoạch định hướng triển khai lại.
Sở Y tế Tp.HCM đang hướng dẫn các bệnh viện đa khoa của Tp.HCM và các bệnh viện quận, huyện rà soát và củng cố nguồn lực phục vụ hoạt động phẫu thuật thay thủy tinh thể trong thời gian sớm nhất.
Ngoài Bệnh viện Mắt, trên địa bàn Tp.HCM còn có một số bệnh viện cung ứng dịch vụ phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo như: Nguyễn Tri Phương, Trưng Vương, Nguyễn Trãi, Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Lê văn Thịnh, Thành phố Thủ Đức, quận 11, huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, huyện Củ Chi.
Về lâu dài, ngành y tế sẽ tham mưu UBND Tp.HCM bổ sung thêm bệnh viện chuyên khoa mắt tại các cụm y tế chuyên sâu trên địa bàn.