Người tâm huyết, tận tụy với việc dạy chữ Khmer ở Kiên Giang
Ông Danh Nghe - người thầy “không bằng cấp sư phạm” đã hơn 23 năm qua tâm huyết, tận tụy dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc.
Lớp học đặc biệt
Lớp tiểu học tiếng Khmer ngữ mà ông Danh Nghe trực tiếp giảng dạy nằm trong khuôn viên chùa Cỏ Khía cũ ở ấp Hòa Lễ, xã Thới Quản (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) với cơ ngơi vỏn vẹn 1 phòng học và những bộ bàn ghế học sinh bằng cây gỗ đơn sơ, cũ kỹ.
Ông Danh Nghe chia sẻ: “Từ mùa hè năm 1999, được các sư ở chùa hỗ trợ, chính quyền địa phương và Ban tôn giáo cho phép, tôi tổ chức lớp học với tinh thần tự nguyện. Lớp học không có kinh phí, chùa hỗ trợ tập, viết và một số bà con cho ít tiền để duy trì việc dạy học này. Ban đầu, chỉ khoảng 5, 7 cháu đến lớp, sau đó, tăng lên mấy chục cháu và những năm gần đây, mỗi mùa hè có hơn 50 cháu theo học".
Hàng năm, khi sắp kết thúc năm học, ông Danh Nghe cùng với các sư ở chùa sửa chữa lại phòng học, bàn ghế, chuẩn bị sách vở… để chuẩn bị khai giảng lớp tiểu học tiếng Khmer ngữ.
Với ông Danh Nghe, được dạy chữ viết, tiếng nói của dân tộc cho con em đồng bào mình là niềm vui trong mỗi dịp hè.
“Tôi mong muốn truyền đạt cho các em biết về văn hóa của đồng bào mình để giữ gìn và phát triển hơn nữa. Khi học và đọc, viết được chữ Khmer, lớn lên các em có thể sử dụng vào việc học tập, công tác đóng góp cho xã hội, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình…”, ông Danh Nghe bày tỏ.
Để đứng lớp dạy chữ Khmer cho con em, ngoài kiến thức nền vốn có đã học tập, tích lũy trong quá trình tu học tại chùa Khmer Thứ Năm (An Biên) giai đoạn 1972 - 1975 và sự chỉ dạy của các vị sư ở chùa này, ông Danh Nghe còn tự học hỏi từ sách, báo tiếng Khmer nên thông thạo đọc và viết chữ Khmer.
Bên cạnh đó, ông còn được ngành chức năng tập huấn, hướng dẫn giảng dạy chữ Khmer từ lớp 1 đến lớp 5 theo đúng quy định về nội dung, chương trình.
Gìn giữ văn hóa chữ viết Khmer
Học chữ Khmer với thầy Danh Nghe, em Danh Phúc Thọ, học sinh lớp 6, Trường trung học cơ sở Thới Quản bộc bạch: “Thầy rất thương học trò, nhiệt tình, tận tâm, dạy dễ hiểu nên chúng cháu rất quý thầy và chú tâm học tập cho thật tốt. Trước đây, cháu thường nghe cha mẹ hay người dân trong xóm nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer, em hiểu nhưng không biết viết, giờ thì em có thể nói, đọc và viết được chữ của dân tộc mình. Em thấy rất vui và tự hào”.
Đại đức Danh Ên, trụ trì chùa Cỏ Khía cũ chia sẻ: "Từ khi có lớp học này, chú Danh Nghe rất tích cực, cố gắng dạy chữ Khmer cho con em và chùa hỗ trợ tập, viết, phòng học, chính quyền địa phương hỗ trợ bóng đèn, quạt gió để con em học tập. Chú Danh Nghe dạy học mấy chục năm qua gần như không có lương hay thù lao, bồi dưỡng gì, thỉnh thoảng có bà con Phật tử hỗ trợ vài trăm ngàn đồng hoặc chính quyền địa phương chi phí một ít thù lao".
"Việc làm này của chú Nghe rất có ý nghĩa, giúp cho con em biết đọc, biết viết chữ Khmer và chùa tiếp tục cùng với chú Nghe duy trì lớp học dạy chữ này. Vào ngày Rằm hay 30 hàng tháng, Phật tử đến chùa lễ Phật, Sư luôn vận động bà con Phật tử đưa con em mình tới lớp học để biết, hiểu tiếng và chữ viết dân tộc Khmer.
Bà con Phật tử ở đây rất quý chú Danh Nghe, bởi chú đã rèn luyện cho nhiều thế hệ con em đồng bào biết đọc và viết chữ Khmer, giữ cái hồn và bản sắc của dân tộc mình", Đại đức Danh Ên chia sẻ thêm.
Ông Huỳnh Thanh Đoàn, Bí thư chi bộ - Trưởng ấp Hòa Lễ, xã Thới Quản cho biết, địa bàn ấp Hòa Lễ có hơn 40% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Ông Danh Nghe là một trong những người có uy tín trong đồng bào dân tộc tại địa phương, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là xây dựng nông thôn mới.
"Ông Danh Nghe tâm huyết, tận tụy với việc dạy chữ Khmer cho con em, qua đó, góp phần giữ gìn tiếng nói, chữ viết, nâng cao trình độ dân trí, đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer", ông Đoàn thông tin.
Chùa Cỏ Khía cũ không chỉ là nơi tu hành, học Phật, lễ Phật của bà con đồng bào dân tộc mà còn là nơi học chữ Khmer, vui chơi, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc của các em học sinh trên địa bàn ấp Hòa Lễ. Các vị sư ở đây tiếp tục cùng với ông Danh Nghe duy trì và mở rộng quy mô lớp học, chính quyền địa phương tạo điều kiện để “thầy Danh Nghe” đứng lớp giảng dạy đạt kết quả.
Tâm nguyện của ông Danh Nghe là tiếp tục làm công việc dạy chữ Khmer thiện nguyện này bằng tình thương và trách nhiệm, mong muốn ngày càng có nhiều con em đến lớp học.
Ngoài ra, ông mong thời gian tới, các cháu có được phòng học, bàn ghế khá khang trang, hỗ trợ tập, viết, sách giáo khoa đầy đủ để học tập vào mỗi dịp hè. Lớp học sẽ được hỗ trợ dụng cụ, thiết bị dạy học để học sinh dễ dàng tiếp thu trong quá trình học tập.
"Bước vào năm học mới, các cháu bận việc học tập ở trường nên tôi sẽ dạy cho các cháu vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, vận động các cháu chịu khó tới lớp học chữ", ông Danh Nghe chia sẻ.