Nếu có con nhỏ, cha mẹ đừng bỏ qua CUỐN SÁCH này: Tấm vé du hành thời gian, đưa trẻ về miền ký ức xa xưa đầy tươi đẹp
Nhờ các trò chơi dân gian, trẻ em hình thành tính cách và khám phá thế giới xung quanh, từ đó phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc.
Một tối cuối tuần, sau 30 phút xem youtube, Chíp - cô con gái năm nay lên 6 tuổi của nhà tôi bỗng tò mò hỏi: "Mẹ ơi, rồng rắn lên mây là gì?". Thì ra, con bé vừa xem một clip về các trò chơi của thế hệ 7x, 8x ngày xưa. Nhìn đôi mắt trong veo đầy háo hức chờ câu trả lời của con, tôi bỏ dở đống việc đang làm, ngồi kể cho con nghe đủ thứ trò chơi của một thời "dữ dội".
Nào là Rồng rắn lên mây, nu na nu nống, chi chi chành chành, năm mười mười lăm hai mươi ú òa, ô ăn quan, tập tầm vông tay nào không tay nào có, kéo cưa lừa xẻ ông thợ nào khỏe, dung dăng dung dẻ dắt trẻ đi chơi... Dường như, ở thời khắc ấy, mọi ký ức của ngày xưa cũ như ùa về, đầy rưng rưng xúc cảm.
Nhưng cũng từ cuộc trò chuyện cùng con, tôi nhận ra, bấy lâu nay mình đã sơ suất bỏ qua một "tài nguyên quý" trong việc giáo dục con cái. Guồng quay của công việc, học hành, những buổi học kỹ năng... khiến thời gian cha mẹ - con cái cùng vui chơi gần như ngày càng trở nên khan hiếm hơn. Các phương pháp giải trí của những đứa trẻ cũng tương đối đơn điệu, ít ỏi: Điện thoại di động, máy tính, TV, đọc sách. Không chỉ ở những thành phố lớn mà ngay từ những thôn xóm làng mạc, hình ảnh đám trẻ túm tụm bên que chuyền, quả bưởi, viên sỏi cùng với những trò chơi dân gian đã dần lùi xa…
Chẳng bù ngày xưa, với 1 trái banh tennis và 10 cây đũa, những đứa trẻ có thể chơi trò banh đũa cả ngày không chán. Những lon sữa bò, lon nước ngọt hoặc lon bia của ba cũng có thể trở thành "đạo cụ" để chơi trò tạt lon, dù lắm lúc tạt quá "nhiệt tình" đến nỗi văng lên nóc nhà rồi ăn một trận mắng nhớ đời...
Tôi "lục tìm" trên internet, mong tìm được một cuốn sách, bài viết chi tiết về những trò chơi ngày xưa. Bởi dù trí nhớ có tốt đến đâu, có những trò chơi trong ký ức của tôi khá mơ hồ, trong khi sự tò mò của những đứa trẻ dường như là vô tận. Vì thế, "bắt gặp" được cuốn "Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kì" được dịch giả Phùng Hồng Minh chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp do nhà nghiên cứu Ngô Quý Sơn biên soạn, tôi thực sự xúc động khi thấy lại các trò chơi ấu thơ, tưởng như đã mất đi.
Chẳng hạn, trò Nu na nu nống, Chồng đống chồng đe…thì chơi theo lời hát. Trò Quay cuồng thì cầm ba cái que ném xoay vòng trên mặt đất, nếu chúng giao nhau thành hình tam giác rỗng là thắng. Trò Thả mồi đớp bóng thì sử dụng một cái bong bóng lợn thả xuống ao, rút thăm xem ai phải bơi ra ngoạm lấy đầu sợi dây buộc bong bóng… Đọc một bài đồng dao, xem lại hình ảnh một trò chơi trong cuốn sách khiến tôi không khỏi hồi tưởng về gia đình, bạn bè, làng mạc, quê hương và một giai đoạn nào đó của lịch sử đất nước.
Tôi nhớ, từng có câu hỏi nhận về hàng ngàn bình luận trên một diễn đàn: Trước đây, trẻ con bị mắng, tại sao lại ít khi gặp vấn đề về tâm lý? Hàng ngàn câu trả lời được đưa ra, trong đó, có một lý giải được đồng tình nhiều nhất: Các em ngày xưa dù bị la mắng, đánh đòn nhưng cũng rất dễ biểu lộ tình cảm, ngoài việc học, cuộc sống của các em bao gồm giặt giũ, nấu ăn, chăm sóc em nhỏ và chạy nhảy bên ngoài... Tuổi thơ của trẻ được vui chơi, tràn đầy sức sống.
Stewart Brown, một bác sĩ người Mỹ đã dành 42 năm theo dõi và phỏng vấn 6.000 người và nhận thấy rằng: Khi còn nhỏ đứa trẻ nào ít được tự do chơi đùa, càng lớn lên càng khó thích nghi với môi trường mới. Và những đứa trẻ được chơi tự do sẽ có kỹ năng xã hội, khả năng chống căng thẳng và kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn khi trưởng thành.
Thạc sĩ Nguyễn Giang Linh, một nhà biên tập sách thiếu nhi cũng đánh giá cao vai trò của việc chơi: "Nếu phải chọn thì tôi cũng ưu tiên cho con chơi đã rồi đọc. Bạn có nhớ là mình đã từng vui thế nào khi chơi với bạn bè không? Điều này thuở xưa là rất dễ làm được, chúng ta học nửa buổi rồi nửa buổi chạy rông với bạn, nhưng bây giờ vì đô thị chật hẹp, vì an toàn… bọn trẻ con không còn nhiều cơ hội chơi với bạn bè như xưa nữa. Nhớ lại tuổi thơ của mình, tôi thấy thật hạnh phúc khi được chơi, và đặc biệt hạnh phúc khi được chia sẻ cái hạnh phúc đó trong nhóm bạn bè quanh nhà".
"Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kì" có những trò chơi dễ, không cần học hỏi gì cả, không cần phương tiện, nhưng khá nhiều trò chơi cần thực tập, cần sự trợ giúp của người lớn (ví dụ chơi diều, soạn bài đồng dao nào đó có ý nghĩa). Đây cũng là một cơ hội để kết nối và giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng thêm khắng khít.
Với "Trò chơi của trẻ em của Bắc Kì", mỗi cuối tuần, cả nhà tôi lại có thêm những khoảng thời gian giải trí bổ ích đầy hứng thú. Khi thực hành các trò chơi trong cuốn sách, các con không chỉ tách ra khỏi các thiết bị điện tử, mà còn được vận động, chạy nhảy, hoạt động, được vui cười. Con cũng hình thành tính cách và khám phá thế giới xung quanh, từ đó phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc.