Những tín hiệu tích cực sau cuộc điện đàm cấp cao Nga - Mỹ
Ngày 19-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ đồng hồ. Kết quả cuộc điện đàm cho thấy những tín hiệu tích cực, mở ra hy vọng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm tại Ukraine.
Theo TASS, phát biểu trước báo giới, Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông đã có cuộc điện đàm rất thẳng thắn với Tổng thống Donald Trump, đồng thời nhấn mạnh đây là cuộc trao đổi hữu ích trong bối cảnh hiện nay. Ông cho biết, những nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine đang đi đúng hướng và Nga sẵn sàng hợp tác với Ukraine để xây dựng một bản ghi nhớ liên quan đến hiệp ước hòa bình trong tương lai, bao gồm các nguyên tắc giải quyết xung đột và khả năng ngừng bắn.
![]() |
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trò chuyện trong một cuộc họp tại Osaka (Nhật Bản), năm 2019. Ảnh: Reuters |
Ông Putin lưu ý: “Về tổng thể, lập trường của Nga là rõ ràng. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này. Chúng ta chỉ cần xác định những cách thức hiệu quả nhất để tiến tới hòa bình". Bên cạnh đó, ông cũng gửi lời cảm ơn người đồng cấp Mỹ vì sự tham gia của Washington vào việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp Nga-Ukraine.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời Tổng thống Donald Trump tuyên bố cuộc điện đàm ngày 19-5 với người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã diễn ra "rất tốt đẹp". Ông cho biết Moscow và Kiev đã đồng ý bắt đầu ngay lập tức các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn, với khả năng tổ chức tại Vatican dưới sự trung gian của Giáo hoàng Leo XIV. Ông Trump cũng thông báo về những tiến triển này cho các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc điện đàm ngay sau đó.
Về phía Ukraine, trong một cuộc họp báo ngày 19-5, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định nước này có thể ký một bản ghi nhớ với Nga về việc giải quyết xung đột và đang chờ các đề xuất của Moscow để trình bày quan điểm của mình. Ông nhấn mạnh động thái này có thể dẫn đến một lộ trình chấm dứt xung đột, một hiệp ước được cả hai nước ủng hộ, bao gồm cả lệnh ngừng bắn.
Đây là lần thứ ba trong năm nay hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ trao đổi qua điện thoại. Điện Kremlin mô tả cuộc điện đàm lần này là "rất quan trọng", diễn ra sau vòng đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cách đây vài ngày, nơi hai bên đã đạt được một số thỏa thuận bước đầu, bao gồm việc trao đổi tù binh theo tỷ lệ 1.000 đổi 1.000 và cam kết tiếp tục tiến trình đàm phán.
Mặc dù có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy thiện chí của cả Nga và Ukraine, nhưng vòng đàm phán tại Istanbul vẫn chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của các bên về một bước đột phá lớn dẫn đến chấm dứt xung đột kéo dài hơn 3 năm qua. Và để gây sức ép lên Moscow, các nhà lãnh đạo EU đã quyết định áp thêm lệnh trừng phạt bổ sung đối với Moscow, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X vào tối 19-5
Tuy nhiên, lần này, lệnh trừng phạt của EU sẽ không có sự tham gia của Mỹ. Khi được hỏi tại sao ông Trump không áp lệnh trừng phạt bổ sung để thúc đẩy Moscow ký vào một thỏa thuận hòa bình với Ukraine, ông Trump trả lời: "Bởi vì tôi nghĩ rằng chúng ta có cơ hội để thực hiện một bước tiến và nếu tôi làm như vậy, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều”.
Điều đáng nói hiện nay là thời hạn chót hoàn tất bản ghi nhớ giữa Nga và Ukraine về một thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn chưa được hai bên thống nhất. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 20-5 cho biết hiện chưa thể đặt ra thời hạn chót bởi tính chất phức tạp của quá trình này. Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Peskov cho biết, Nga và Ukraine sẽ cùng soạn thảo các dự thảo liên quan đến một biên bản ghi nhớ, sau đó tiến hành trao đổi và tiến tới các cuộc tiếp xúc sâu để xây dựng một văn bản thống nhất. Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định tất cả các bên đều mong muốn tiến trình này diễn ra nhanh chóng nhất có thể, nhưng hiện nay chưa thể có một thời hạn chót bởi yếu tố cốt lõi vẫn là nội dung chi tiết trong thỏa thuận.
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump có thể mở ra cơ hội mới cho việc chấm dứt xung đột tại Ukraine. Song, giới phân tích cảnh báo, lập trường mâu thuẫn trong nhiều vấn đề giữa Nga và Ukraine, Nga và phương Tây có thể khiến con đường đến hòa bình vấp phải nhiều chông gai. Việc bảo đảm sự tham gia đầy đủ của Ukraine và sự đồng thuận từ các bên liên quan sẽ là yếu tố then chốt để biến những nỗ lực ngoại giao này thành hiện thực.
GIA HUY